Xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành một di tích động

(ANTĐ) - Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã trở thành nơi tín ngưỡng của sự học hành, chỗ rèn luyện nhân cách của các bậc hiền tài nhiều thời đại một lòng dốc trí lực, tâm huyết cho non sông đất nước. Nơi đây từ ngày lập dựng cho đến hôm nay thời gian đã gần nghìn năm với bao biến cải của nhân thế nhưng việc thờ phụng chữ nghĩa và đạo học của người Việt Nam luôn được tôn trọng và ngày một thịnh vượng.

Xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành một di tích động

(ANTĐ) - Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã trở thành nơi tín ngưỡng của sự học hành, chỗ rèn luyện nhân cách của các bậc hiền tài nhiều thời đại một lòng dốc trí lực, tâm huyết cho non sông đất nước. Nơi đây từ ngày lập dựng cho đến hôm nay thời gian đã gần nghìn năm với bao biến cải của nhân thế nhưng việc thờ phụng chữ nghĩa và đạo học của người Việt Nam luôn được tôn trọng và ngày một thịnh vượng.

Tiến sỹ Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã kể cho chúng tôi về nơi đây, những trăn trở của ông cho những kế hoạch phát triển, dự án được thực thi để tạo bước đột phá lớn về diện mạo cho một không gian văn hóa lớn của Thủ đô hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ngày một đến gần…

- Đánh giá của ông về tầm quan trọng, mức ảnh hưởng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong cuộc sống hiện nay?

- Tôi có thể khẳng định Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích văn hóa, lịch sử hấp dẫn, có giá trị và uy tín đối với người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Điều đó được chứng minh bằng lượng khách tham quan ngày một tăng dần. Mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón trên dưới 1 triệu khách tham quan, trong đó có tới một nửa là du khách nước ngoài. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo cơ quan chuẩn bị hồ sơ, hoàn tất tư liệu để trình lên Thủ tướng công nhận Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

- Vậy hiện tại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã và đang làm gì để hướng tới ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội?

- Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung các hoạt động văn hóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Và đây là điểm được chọn để tham gia vào công tác chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cả về mặt địa điểm lẫn nơi khai thác những giá trị văn hóa. Tham gia vào dự án này, chúng tôi không chỉ đóng góp cả sức người, mà còn hoạch định những công việc phải hoàn thành. Chính vì vậy, “Dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo phát huy tác dụng di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám” đã được xác định, đó là tập trung khai thác và bảo tồn khu du tích hồ Văn và vườn Giám.

Thứ nhất, hồ Văn với đảo Kim Châu lừng danh trong sử sách là phần không thể thiếu của quần thể kiến trúc khu di tích lịch sử, văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại khu vực này chúng tôi sẽ cho xây dựng một đình bát giác, tại nơi đây những kẻ sỹ, bậc hiền tài của đất nước có thể bộc bạch, chia sẻ và nói lên được tình cảm của cá nhân, của giới mình trên nền giá trị văn hóa xưa vẫn còn. Để vào đảo Kim Châu, chúng tôi cho xây dựng 2 chiếc cầu bằng đá tách rời, một cầu vào và một cầu ra mang những ý nghĩa khác nhau. Thứ hai, chúng tôi sẽ cho xây dựng khu vườn Giám riêng biệt, nhưng là một bộ phận nằm trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thể tách rời. Khu vườn Giám sẽ được thay tường sắt bằng tường gạch, xây theo lối phục cổ nhằm ngăn cách giữa không gian bên ngoài và bên trong, tạo nên chiều sâu, tĩnh của lịch sử. Toàn bộ khu vực vườm Giám sẽ được phân chia theo từng khu vực cụ thể để hoạt động phát triển, trong đó sẽ có vườn tượng đá những nhà giáo mẫu mực về tài đức trong lịch sử, khu trưng bày, triển lãm, vui chơi giải trí… để giúp nâng cao việc học, mở rộng tri thức cho tất cả mọi người.

Tiến sỹ Đặng Kim Ngọc
Tiến sỹ Đặng Kim Ngọc

- Đề án đã rõ, liệu chúng ta có kịp hoàn thành đúng tiến độ đề ra?

- “Dự án đầu tư, tu bổ, tôn tạo phát huy tác dụng di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám” là một dự án độc đáo, đặc sắc với tính khả thi cao. Chính vì vậy nó cần một chiến dịch dài hơi, cái dấu mốc thời gian được hoạch định, và các phần trong dự án được thực hiện theo từng bước. Đến năm 2010, hoàn thành được một phần trong dự án là chúng tôi vui rồi…

- Đứng trên cương vị cao nhất của một khu di tích quan trọng bậc nhất của Quốc gia, ông có thấy việc bảo tồn và gìn giữ các di tích trong cả nước hiện nay chưa thực sự hiệu quả?

- Phải đặt ra đây là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết phải triển khai toàn diện. Hà Nội giờ đây trở thành một trung tâm có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất cả nước. Hà Tây (cũ) có hơn 3.000 di tích, Hà Nội (cũ) có hơn 2.000 di tích; đến nay có thể thấy một điều là các di tích ở Hà Nội đã được thành phố đặc biệt quan tâm. Nhiều di tích cách mạng - kháng chiến được gìn giữ, tu bổ và tôn tạo. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta chỉ bảo vệ được di tích khi gìn giữ được đất thiêng, muốn vậy cần phải chống lấn chiếm. Cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm trong công tác xã hội hóa bảo vệ giữ gìn di tích thời gian vừa qua để đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Thành phố cũng cần phải kiên quyết hơn trong vấn đề giải phóng mặt bằng, bảo vệ di tích khỏi bị lấn chiếm. Một điều nữa cần lưu ý, là cần tăng cường nghiên cứu để ấn hành tập sách giới thiệu về các di tích cách mạng - kháng chiến, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Hà Nội bởi đó là nền tảng giúp người dân ý thức được bề dày văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

- Là người nghiên cứu sử học, ông nghĩ gì khi có rất nhiều di tích hiện nay bị xuống cấp?

- Điều đầu tiên là ý thức của người dân ở cận kề các di tích chưa tốt, đa phần họ đều thiếu sự tôn trọng và gìn giữ. Sau đó là sự thiếu ý thức của khách thập phương, cuối cùng là việc hoạch định cơ chế, phân cấp chưa hợp lý, chưa khoa học dẫn tới thiếu trách nhiệm trong việc bảo tồn và gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa. Thực trạng “cha chung không ai khóc” đã khiến một số di tích hiện nay không những không được giữ gìn mà còn xuống cấp dần theo thời gian.

- Báo chí đã từng phê phán rất mạnh việc các em học sinh, sinh viên hiện nay rất yếu kém môn lịch sử. Trên cương vị của mình, ông có nghĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần có những chiến lược cụ thể để thu hút các em học sinh, sinh viên đến với nơi đây?

- Đây là việc làm thiết thực! Chúng tôi luôn mong muốn được đón những vị khách đặc biệt này đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiện nay chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể bằng cách tự tiếp cận với Sở GD - ĐT, chủ động quan hệ trực tiếp với các trường để họ đưa học sinh đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới hình thức tham quan, tọa đàm, nói chuyện… Việc này sẽ có tác dụng trang bị kiến thức cần thiết cho các em về một di tích cụ thể khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường; tạo một thói quen học tập kiểu mới thông qua việc đi thực tế, đó là phương pháp giáo dục được áp dụng phổ biến ở các nước tiên tiến. Đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là tự thân các em đã đến với một ngôi trường, một giảng đường, một lớp học… tạo nên một phương cách học không chỉ bó gọn như cũ.

- Hà Nội giờ đẹp và phát triển hơn… Hẳn ông có những cảm nhận riêng của mình về một Hà Nội hôm nay?

- Hà Nội hôm nay văn minh hơn, ngày càng to đẹp hơn. Hơn 20 năm đổi mới, Hà Nội thay da đổi thịt trở thành một thành phố sinh động, chúng ta đang cố hướng Hà Nội trở thành một Thủ đô thực sự năng động trong những năm tới. Hà Nội ngày hôm nay đã hoàn thiện đủ cả trên bình diện 3 mặt địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là địa văn hóa. Văn hóa là cái hồn của dân tộc, chúng ta cần có thời gian, nghiên cứu một cách cụ thể và qua nhiều thế hệ mới có thể hợp nhất là một. Văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài để hòa trộn là một không thể thực hiện một sớm một chiều; và chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế đó là quy hoạch Thủ đô không thể hiểu theo lối quy hoạch đô thị được, nếu chỉ đơn thuần mang tính cơ học sẽ tạo nên rất nhiều những khó khăn. Điều đó cho thấy Thủ đô phát triển toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội tập trung ở nhiều yếu tố mà trong đó sự sáp nhập, mở rộng Hà Nội chỉ là một bước quan trọng hàng đầu.

Trần Quân (Thực hiện)