Xây dựng và phát triển để Hà Nội là thành phố đáng sống, đô thị lịch sử: Nâng cấp cuộc sống, làm thay đổi tầm vóc Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 10-10-1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi nhân dân Thủ đô: “Chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh”. Lời dạy của Bác sống mãi và đến nay vẫn là động lực, là niềm tin của Thủ đô và cả nước.

Lời Tòa soạn: Tròn 67 năm, kể từ mùa Thu tháng 10 năm 1954, thời khắc lịch sử khi Đại đoàn quân Tiên phong qua các cửa ô, tiến vào tiếp quản Thủ đô, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ Hà Nội hòa bình, xây dựng và phát triển. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, nhìn lại cả chặng đường dài đã qua, chúng ta càng thêm tin tưởng với quyết tâm cao để xây dựng Hà Nội xứng tầm là Thủ đô văn hiến, thành phố vì hòa bình, đô thị sinh thái lịch sử.

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm

Đổi mới và vượt qua khủng hoảng

Năm 1954 hoà bình lập lại, chúng ta tiếp quản Hà Nội chỉ là thành phố tiêu thụ, công nghiệp nhỏ bé không đáng kể, hạ tầng xã hội, dịch vụ văn hoá nghèo nàn. Khi đó Hà Nội chỉ với diện tích 152km2 gồm 8 quận huyện với dân số 37 vạn ở nội thành, 16 vạn ở ngoại thành. Đến nay qua 4 lần điều chỉnh địa giới, Hà Nội từ 2008 đã có diện tích 3.344km2 (gấp 22 lần năm 1954) và đã có 30 quận, huyện, thị xã với dân số 8,053 triệu người (thống kê 2019), trong đó khu vực đô thị khoảng 3,962 triệu người, khu vực nông thôn khoảng 4,091 triệu người.

Trong Hiến pháp 2013 một lần nữa khẳng định: “Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Vịêt Nam là Hà Nội”. Trong Luật Thủ đô 2012 đã xác định vai trò Thủ đô là “Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.

Trước hoà bình lập lại, Hà Nội cơ sở hạ tầng yếu kém, cấu trúc phân biệt rõ cho người giàu và các khu xóm “ổ chuột” cho người lao động thì ngay những năm đầu sau 1954, thành phố đã cải thiện điều kiện sống cho gần 200 khu lao động (như An Dương, Phúc Tân) và sau đó là xây dựng các khu nhà ở theo mô hình tiểu khu khu nhà ở xã hội chủ nghĩa (như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ…), xây dựng một số trường đại học (Bách khoa, Sư phạm, Tổng hợp…); Cải tạo nâng cấp nhiều bệnh viện (Việt Nam - Cuba, Y học dân tộc…).

Sau thống nhất đất nước, nhất là sau thời kỳ đổi mới, cùng với vượt qua khủng hoảng, Hà Nội tăng tốc tăng trưởng kinh tế và xây dựng các khu công nghiệp lớn tập trung, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, công trình thương mại, dịch vụ cấp quốc gia, công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông cửa ngõ vào trung tâm (như đường Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Đại lộ Thăng Long, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ…). Một số khu đô thị mới hiện đại, xây dựng đồng bộ, tạo chất lượng sống khá cao như Linh Đàm, Trung Yên, Mỹ Đình, Trung Hòa - Nhân Chính và gần đây là các khu đô thị hiện đại như Royal City, Times City... Điểm mốc rõ thấy là từ sau 1998, nội đô Hà Nội không chỉ phát triển ở Nam sông Hồng mà đã vượt sang Bắc sông Hồng (khu vực Long Biên, Đông Anh…). Từ sau mở rộng địa giới 2008, không chỉ là đô thị đơn cực, Hà Nội đã xây dựng, phát triển mô hình chùm đô thị để tạo lập Thủ đô xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại. Cùng với mở rộng đô thị, thành phố đã xây dựng một số công trình công cộng tầm vóc quốc gia như Bảo tàng Hà Nội (2010), nhà Quốc hội (2014), tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower 72 tầng (2010); các khách sạn lớn như Daewoo, Grand Plaza, tòa nhà Lotte Center 65 tầng (2015)…

Hà Nội xứng đáng là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển năng động

Hà Nội xứng đáng là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển năng động

Tạo sự hài hòa xây dựng đô thị, phát triển nông thôn mới

Trong phát triển không gian xanh công cộng, cùng với cải tạo các công viên đã hình thành như: Thống Nhất, Thủ Lệ, Tuổi Trẻ, Đống Đa, Bách Thảo, thành phố đã xây dựng các công viên quốc gia như: Hòa Bình, Cầu Giấy, Yên Sở… Cùng với tạo lập các vành đai xanh, nêm xanh, trước cảnh quan hai bên các dòng sông là công viên khu vực, sân chơi trong khu dân cư.

Về kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thành phố đã tạo những đột phá để phát triển kinh tế, nâng cấp cuộc sống và làm thay đổi diện mạo Hà Nội như đang từng bước hoàn thiện 3 tuyến đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, cao tốc Hoà Lạc, sân bay quốc tế Nội Bài, các cầu vượt nhẹ, cầu đi bộ, hầm đi bộ… Điểm nổi bật nữa cần nhận diện đúng là Hà Nội không chỉ phát triển mới mà còn quan tâm đến tái thiết, cải tạo các khu đô thị hiện hữu và nhất là tạo được sự hài hòa giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới Hà Nội dẫn đầu cả nước, là niềm tự hào của Thủ đô.

Nhìn lại chặng đường từ 1954 đến nay cho thấy, tuy rằng còn một số tồn tại như: cải tạo chung cư cũ chưa hài hòa, còn chênh lệch giữa cải tạo hay mở đường mới với không gian kiến trúc hai bên, quản lý không gian kiến trúc chưa thật chặt chẽ, song không thể phủ nhận diện mạo, tầm vóc Thủ đô luôn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh, khó khăn, thử thách nào thì Hà Nội vẫn vững vàng, linh hoạt để làm tốt chức năng nhiệm vụ là Thủ đô. Bài học về chủ động, năng động, sáng tạo, bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết sức mạnh địa phương với sức mạnh lợi thế từ Trung ương, sức mạnh hợp tác với các đia phương và hợp tác quốc tế, sức mạnh từ phát huy dân chủ đi liền với kỷ luật, kỷ cương luôn là động lực, là niềm tin để trong giai đoạn tới Hà Nội là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển năng động, hiệu quả, có chất lượng cuộc sống cao, phát triển bền vững, kết nối được với toàn cầu.

Hà Nội xứng đáng là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển năng động

Hà Nội xứng đáng là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, phát triển năng động

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Hà Nội cần nhiều hơn những khoảng xanh và không gian công cộng

Ai sinh ra ở Hà Nội cũng yêu thành phố ấy, tôi không là ngoại lệ. Tôi vẫn nhớ về thời thơ ấu của mình với những tán cây xanh nơi công viên Bách Thảo, công viên Lê nin… Hà Nội của tôi khi ấy thật thanh bình, yên ả, rợp bóng cây xanh. Thế rồi, theo thời gian, tôi lớn lên, được đi đây đi đó và khi trở về thành phố mình đang sống cũng có những nghĩ suy, những trăn trở. Đó là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh, nhưng lại thiếu đi những khoảng xanh mát lành. Số lượng cây xanh trên đầu người còn thấp, trong khi số lượng các phương tiện giao thông tăng lên chóng mặt, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp gây nên tình trạng tắc đường, ngột ngạt. Bản thân tôi cũng đã chuyển ra ngoại ô sinh sống để được tận hưởng không khí trong lành. Tôi mong mỗi dự án xây dựng được phê duyệt sẽ có sự quan tâm nhiều hơn tới không gian công cộng và cây xanh, để người dân được thụ hưởng những khoảng xanh, hít thở bầu không khí trong lành và thụ hưởng những tiện ích của một đô thị thông minh và đáng sống.

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt: Dòng chảy văn hóa của Hà Nội sẽ tiếp tục được bảo tồn

Tròn 20 năm gắn bó với Hà Nội, đây là nơi nuôi dưỡng, trưởng thành và góp phần tạo nên con người tôi hôm nay. Thủ đô những năm đầu thế kỷ 21 thay đổi nhanh và phát triển mạnh mẽ. Nhiều khu đô thị được ra đời, nhiều tòa nhà cao tầng được xây lên, hạ tầng giao thông dần hoàn thiện. Những dấu mốc văn hiến nghìn năm qua của đất Thăng Long pha trộn cùng sự hiện đại, tạo nên diện mạo Hà Nội khác biệt với nhiều thành phố lớn tôi từng đến. Sự đổi thay lớn nhất của Thủ đô mà tôi nhận thấy là tiện nghi cuộc sống và các dịch vụ xã hội. Thật may trong 20 năm ở Hà Nội, tôi đã có 15 năm cầm máy ảnh để ghi lại được những thay đổi. Ngày nay là một Hà Nội phát triển hơn, nhộn nhịp hơn. Dù có chút “trầm” trong 2 năm qua do đại dịch, tôi tin Thủ đô sẽ tiếp tục là đầu tàu cả nước về chính trị, văn hóa, kinh tế. Tôi tự hào là một công dân của Hà Nội. Là người dùng máy ảnh để ghi chép lại những nét đẹp truyền thống và văn hóa, lịch sử của đất nước, tôi mong trong dòng chảy phát triển, những giá trị mang tính bản sắc của Hà Nội vẫn luôn được bảo tồn và bền vững. Trong nhiều năm tới, hy vọng Thủ đô sẽ dần cải tiến và hoàn thiện về giao thông, môi trường, phát triển hơn về y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch…

Thanh Xuân (Ghi)