Xây dựng gây rạn nứt nhà dân, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Mới đây, khu vực nhà tôi người ta thi công xây dựng hàng loạt căn hộ để bán khiến ngôi nhà 4 tầng của gia đình tôi cùng nhiều nhà xung quanh bị rạn nứt nhiều vị trí. Thậm chí, có ngôi nhà còn bị nứt toác, nghiêng hẳn... Hiện, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ thi công công trình xây dựng này và chủ đầu tư cũng đã nhận trách nhiệm trước các hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chủ đầu tư không đồng tình với phương án, số tiền bồi thường thiệt hại do các hộ dân bị ảnh hưởng đưa ra. Xin hỏi luật sư, chúng tôi phải làm thế nào để chủ công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại thỏa đáng? Kiều Thị Như Quỳnh ( Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải có các điều kiện, đặc biệt là giấy phép xây dựng. Và theo quy định tại Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30-10-2015 của Bộ Xây dựng về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ, khi có tranh chấp liên quan giữa chủ đầu tư xây dựng và hộ liền kề, tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 8 của thông tư này.

Cụ thể, điều luật trên quy định: “Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có). Trong quá trình thi công xây dựng, nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thỏa thuận, thống nhất được thì tranh chấp phát sinh được giải quyết theo quy định của pháp luật. Các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng nhà ở được xử lý theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan”.

Theo mô tả của bạn và từ những quy định trên có thể thấy, chủ đầu tư xây dựng các căn hộ để bán đã gây ảnh hưởng, thiệt hại đến quyền và lợi ích của gia đình bạn cũng như các hộ gia đình xung quanh. Nếu các bên không thỏa thuận được thì bạn hoặc/và các gia đình bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng có quyền khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền, nơi công trình xây dựng tọa lạc để đề nghị tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 605 - Bộ luật Dân sự 2015.

Việc xây dựng phải đảm bảo an toàn công trình liền kề và có trách nhiệm giải quyết nếu có tranh chấp (Ảnh minh họa)

Việc xây dựng phải đảm bảo an toàn công trình liền kề và có trách nhiệm giải quyết nếu có tranh chấp (Ảnh minh họa)

Theo đó, Điều 605 - Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.