Xây dựng các giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020

ANTD.VN - Sáng 2-6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5-2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới”.

Xây dựng các giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2020

Mở đầu phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đã 48 ngày qua, trên địa bàn cả nước không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Phần lớn các ca mắc Covid-19 đều đã ra viện. Liên tục các cơ quan báo chí, thông tấn lớn trên thế giới nhiều lần đưa tin, đánh giá cao thành tựu phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.

Trên mặt trận phát triển kinh tế, xã hội, Thủ tướng nêu rõ, điều ấn tượng là quyết tâm đáng trân trọng của nhiều tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020 mà Thủ tướng đã trực tiếp nghe báo cáo, đó là Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Trong tháng 5, vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động. Các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp.

Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nghị quyết 84 mới được ban hành và một số nghị quyết khác. “Chúng ta lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế vì cung cầu của chúng ta đều yếu do dịch Covid-19 vừa rồi”, Thủ tướng nói.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay.  

Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn thách thức. Thủ tướng cũng phân tích một số kết quả cụ thể về kinh tế xã hội tháng 5 như: Sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá; hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt hơn; Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của Việt Nam trong tháng 5 tăng 10 điểm, một trong những mức tăng cao nhất trong khu vực ASEAN; giải ngân vốn đầu tư công tăng 17% là tín hiệu tích cực…

Đề cập đến những thách thức phải vượt qua trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý vấn đề quan trọng hàng đầu trong số các thách thức từ bên ngoài vẫn là đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại, công nghệ giữa các nền kinh tế lớn gia tăng. Trong khi đó, tăng trưởng của nước ta chưa đạt yêu cầu; công nghiệp giảm do chuỗi cung ứng gặp trở ngại. Tuy xuất siêu gần 2 tỷ USD nhưng nhiều nhóm hàng sụt giảm mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; bội chi ngân sách Nhà nước gia tăng và dự báo năm nay khoảng 5% GDP, dù đây là điều bình thường trong bối cảnh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, công nhân thất nghiệp, mất việc làm còn nhiều…

Từ những hạn chế, thách thức đang phải đối diện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đề cao kiểm soát dịch bệnh, không chủ quan, nhất là tại các thành phố lớn, các khu dân cư tập trung.

Thủ tướng yêu cầu: “Phương châm đặt ra là không lùi bước trong khó khăn. Mọi cấp, ngành phải có tinh thần kiên quyết, có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020”. Do đó, cần tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép: “Chống dịch thành công và khôi phục kinh tế-xã hội phải quyết liệt hơn theo tinh thần đạt mục tiêu cao nhất, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô”…