Xấu đi vì... làm đẹp!

(ANTĐ) - Trước nhu cầu thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp của người dân ngày càng lớn, các cơ sở dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ tư nhân cũng ngày càng mọc lên nhiều hơn. Điều đáng nói là ngoại trừ số ít cơ sở có chức năng giải phẫu thẩm mỹ do Sở Y tế địa phương quản lý, số còn lại rất khó thẩm định về chuyên môn.

Xấu đi vì... làm đẹp!

(ANTĐ) - Trước nhu cầu thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp của người dân ngày càng lớn, các cơ sở dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ tư nhân cũng ngày càng mọc lên nhiều hơn. Điều đáng nói là ngoại trừ số ít cơ sở có chức năng giải phẫu thẩm mỹ do Sở Y tế địa phương quản lý, số còn lại rất khó thẩm định về chuyên môn.

Thẩm mỹ tư, đẹp đâu chẳng thấy...

Ngày cuối tuần, chị Tâm Th. (khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân) tìm đến spa có tên Pasm... để điều trị mụn. Nhưng sau khi thẩm mỹ tại đây, chị Th. nhận thấy những lời quảng cáo “quá hay và quá hấp dẫn” của spa này chỉ là... quảng cáo.

Kể lại với chúng tôi, chị Th. vẫn không hết bực tức: “Giá cả thì quá đắt, chất lượng thì... kinh khủng. Để trị mụn siêu tốc, họ đắp một lớp thảo dược lên vết mụn để nhân mụn trồi lên, sau đó sử dụng tăm bông nắn mụn, chấm thuốc vào vết nặn, chiếu tia laze rồi cuối cùng là đắp mặt nạ. Chẳng biết thứ thuốc họ bôi, đắp là thuốc gì mà một vài ngày sau mặt vẫn đỏ  lên, da ngứa rồi nổi sần, phải đến viện da liễu khám và mua thuốc về bôi mới đỡ...”.

Sáng 8-7, tại BV Da liễu Hà Nội, chúng tôi còn gặp một trường hợp bệnh nhân nam bị viêm nhiễm da khá nặng. Theo kể lại của bác sĩ, bệnh nhân này đi nhuộm tóc tại một cơ sở chăm sóc sắc đẹp tư nhân, khi tắm thuốc nhuộm tóc chảy xuống tai gây viêm da tiếp xúc, dị ứng nặng vùng xung quanh hai tai, lan ra toàn mặt rồi gây viêm nhiễm khắp cơ thể. Bệnh nhân này phải nhập viện điều trị nội trú dài ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo - Phó Giám đốc BV Da liễu Hà Nội cho biết, BV đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân là “nạn nhân” từ các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp phải vào điều trị trong tình trạng khá nguy hiểm.

Có nhiều trường hợp phụ nữ trẻ bị viêm nhiễm, dị ứng da do đi xăm môi, xăm mi từ các cơ sở thẩm mỹ “chui”, những trường hợp nặng thường bị sưng đỏ, bong vảy tại vùng da quanh mắt, điều trị rất khó khăn, thậm chí phải thực hiện phẫu thuật để xóa bỏ hình xăm, vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe mà có khi còn để lại sẹo.

Phổ biến hơn là tình trạng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do bệnh nhân sử dụng các loại hóa chất, mỹ phẩm làm đẹp da, hay thực hiện đắp mặt nạ tại các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp không đảm bảo.

Theo bác sĩ Thảo, tất cả các loại thuốc, hóa chất, mỹ phẩm đều có thể làm viêm nhiễm, dị ứng da do nó còn tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Trong khi đó, tại các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, nhiều khi người đứng đầu cơ sở hay nhân viên của các cơ sở này không phải là bác sĩ, không biết về nghề y nên họ không khám, kiểm tra được yếu tố cơ địa của mỗi khách hàng mà cứ tùy tiện cho tất cả khách hàng sử dụng mỹ phẩm, hóa chất làm đẹp như nhau.

Đấy là chưa kể có không ít cơ sở tư nhân còn sử dụng các loại thuốc, mỹ phẩm, hóa chất trôi nổi, không nguồn gốc để phục vụ khách hàng, đem lại rất nhiều mối nguy hiểm không lường trước được.

Riêng với trường hợp phụ nữ wax lông, bác sĩ Thảo cho biết, nhu cầu này của phụ nữ ngày càng lớn (như wax lông chân để mặc váy...), trong khi chẳng có mấy cơ sở dịch vụ uy tín được thẩm định.

BV Da liễu Hà Nội gặp khá nhiều trường hợp thiếu nữ trẻ bị viêm nang lông, viêm tấy sưng rất nặng, thậm chí có nhiều trường hợp sau khi wax lông còn tạo thành các chấm đen ở vết tẩy, không những không đẹp mà còn xấu hơn trước, có khi còn phải vào BV điều trị vài ba tháng.

Chất lượng khó thẩm định

Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp đang hoạt động. Dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp cũng ngày càng đa dạng và hướng tới nhiều tầng lớp hơn.

Nếu như trước đây, các dịch vụ này thường được coi là điểm đến của những người sang trọng, giàu có và đối tượng chủ yếu là phụ nữ, thì ngày nay có nhiều cơ sở thẩm mỹ mở ra hướng đến các tầng lớp bình dân, sinh viên.

Những khu vực tập trung nhiều cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp là đường Giải Phóng, khu vực quận Hoàn Kiếm, phố Cửa Bắc, đường Nguyễn Chí Thanh... Việc thẩm định chất lượng tại các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp này hiện rất khó khăn.

Có nhiều cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp không có chức năng giải phẫu thẩm mỹ nhưng vẫn... thực hiện, hoặc móc nối với các cơ sở khác để thực hiện.

Chẳng hạn, một cơ sở thẩm mỹ có in địa chỉ nằm trong một ngõ nhỏ, phố Lương Đình Của (quận Đống Đa) dán rất nhiều tờ rơi trên đường Trường Chinh với những lời quảng cáo rất hấp dẫn như: Cơ sở đã có uy tín lâu năm về nâng ngực bằng túi silicon, căng da mặt, hút mỡ bụng, mông, đùi, tạo hình màng trinh...

Nhưng khi chúng tôi lần đến địa chỉ này thì thực chất đó là một phòng khám đa khoa và không hề được cấp phép của Sở Y tế về việc thực hiện các chức năng trên.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế chỉ quản lý những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, nghĩa là làm thẩm mỹ nhưng có động đến dao kéo, có chảy máu (Hà Nội hiện có khoảng 20 cơ sở giải phẫu thẩm mỹ được cấp phép).

Còn các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp nhưng không làm chảy máu thì lại đăng ký hành nghề tại chính quyền địa phương, bởi đây là dịch vụ kinh doanh không điều kiện. Người đứng tên các cơ sở này không cần phải có chuyên môn về nghề y, cũng không cần là bác sĩ.

Sở Y tế không có chức năng giám sát hoạt động của các cơ sở này (không do Sở cấp phép) mà thi thoảng chỉ tổ chức các buổi phối hợp kiểm tra dụng cụ, thuốc, mỹ phẩm tại các cơ sở thẩm mỹ xem có đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ hay không, hoặc khi có các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân thì cơ quan y tế mới can thiệp chuyên môn.

Duy Tiến