Xăng xuống giá, hàng hóa đứng yên

ANTĐ - Trong vòng 2 tháng qua, giá xăng dầu giảm 2 lần liên tiếp với tổng cộng hơn 1.000 đồng/lít xăng, dầu giảm 3 lần. Trong khi đó, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại “bất động”.
Xăng xuống giá, hàng hóa đứng yên ảnh 1

Giá hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định do cung cầu không biến động

Vận tải khó giảm cước

Ngày 20-7, Bộ Công Thương quyết định giảm giá bán lẻ xăng 260 đồng/lít. Tại kỳ điều hành ngày 4-8, giá xăng tiếp tục giảm mạnh hơn, với mức giảm 816 đồng/lít xăng. Như vậy, kể từ đầu tháng 6-2015, giá dầu đã giảm 3 lần và giá xăng giảm 2 lần với tổng mức giảm hơn 1.000 đồng/lít. Thông thường, nếu giá xăng tăng đến 1.000 đồng/lít, các doanh nghiệp vận tải sẽ xem xét điều chỉnh giá cước.

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm, cước vận tải vẫn đứng yên. Chị Trần Thị C.- chủ doanh nghiệp vận tải hành khách tư nhân tuyến Bắc Giang - Yên Nghĩa cho hay: “Cước cả tuyến chúng tôi vẫn giữ 50.000 đồng/người, cả năm nay không tăng, không giảm. Chi phí tăng lên nhiều, nhưng xe tư nhân phải cạnh tranh với xe của doanh nghiệp lớn. Họ chạy hàng chục chuyến/ngày. Họ không tăng thì chúng tôi phải giữ giá. Họ không giảm thì xe nhỏ cũng không có lý do gì phải giảm”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay: “Doanh nghiệp vận tải còn xem xét nhưng khả năng giảm cước gần như không có. Bởi vì, dự báo giá xăng tăng vẫn là chủ đạo, giảm chỉ trong ngắn hạn, vận tải không thể điều chỉnh cước liên tiếp được. Thêm vào đó, các khoản phí với doanh nghiệp vận tải ngày càng tăng, giá xăng giảm ít hơn so với phần tăng phí. Giữ cước ổn định để cạnh tranh đã là cố gắng rồi”.

Theo tính toán, chỉ tính riêng việc siết chặt tải trọng xe đã khiến cước vận tải tăng mạnh so với trước đây. Cùng với đó, các trạm thu phí cầu đường BOT bố trí ngày càng dày. “Đó mới chỉ là khoản chi phí chính thức. Ngoài ra còn chi phí không chính thức, bảo sao giá xăng dầu giảm nhưng cước vận tải còn nghe ngóng”- vị chuyên gia này nói.

Giá hàng thiết yếu ổn định

Chị Nguyễn Thu Trang (khu đô thị mới Định Công - Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, cứ giá xăng lên là “mớ rau con cá” cũng lập tức tăng theo ngay. Nhưng giờ giá xăng giảm thì người tiêu dùng chỉ thấy giảm được vài nghìn đồng trong mỗi lần đổ xăng, còn giá thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu không giảm”. 

Khảo sát thực tế cho thấy, ngày 5-8, tại chợ Hôm Đức Viên (Hà Nội), giá thực phẩm vẫn ổn định. Chủ sạp rau xanh Lan Huyền cho biết, rau muống 7.000 đồng/mớ, cà chua 25.000 đồng/kg. “Hiện tại mưa lớn vẫn chưa gây ảnh hưởng gì đến nguồn cung rau. Những loại rau củ nào vào vụ thu hoạch thì giá giảm nhẹ, nhưng rau củ trái vụ như: rau cải bắp, cải xanh, cà chua, bí đỏ… lại tăng cao”- chủ sạp rau xanh nói. Đối với các mặt hàng thịt lợn và thủy sản tại các chợ bán lẻ, giá vẫn ổn định.

Nạc thăn, nạc vai 90.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 85.000 đồng/kg; cá chép 55.000 đồng/kg; cá quả 90.000 đồng/kg… Tiểu thương Nguyễn Hương Liên (chợ Thành Công, Hà Nội) cho hay: “Chợ ngày mưa ế ẩm, ít khách nên chúng tôi có dám tăng giá đâu. Giá thực phẩm cũng giữ ổn định từ lâu vì sức mua yếu. Chi phí vận chuyển thì lúc tăng lúc giảm, thay đổi liên tục nên chúng tôi không để ý”. 

Theo một chuyên gia thị trường, sức mua yếu nên giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ổn định. Ông này dẫn chứng: “Tổng mức bán lẻ tháng 7-2015 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua chưa được cải thiện nên lâu nay người bán cũng giữ giá”. Vị chuyên gia này cũng đánh giá, từ khi giá xăng dầu được điều hành 15 ngày/lần thì tình trạng tăng giá “ăn theo” giá xăng đã giảm hẳn.

Thêm vào đó, do kinh tế phục hồi chậm, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, cầu không tăng đột biến nên nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giá cơ bản theo thị trường và cung- cầu quyết định giá. “Trong nhiều tháng liền, CPI tăng do giá xăng tăng, ảnh hưởng đến chỉ số giá nhóm giao thông vận tải, nhưng lương thực, thực phẩm, đồ dùng học tập, hay nhóm may mặc, mũ nón, giày dép chỉ tăng nhẹ do thời vụ. Còn ở chiều giảm giá, xăng giảm thì nhóm giao thông không biến động” - vị chuyên gia phân tích. 

Các chuyên gia cho rằng, giá cả vẫn luôn diễn biến khó lường. Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi, tính toán tác động của giá xăng dầu, cơ quan quản lý cũng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, đặc biệt trong mùa mưa bão để đảm bảo quyền lợi của người dân.