Xăng giảm giá lần thứ 10, hàng hóa thiết yếu vẫn "đứng yên"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh trong hơn 2 tháng qua song đến thời điểm hiện tại, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn “án binh bất động”.
Giá thực phẩm vẫn đứng ở mức cao

Giá thực phẩm vẫn đứng ở mức cao

Tại các chợ, giá thịt lợn vẫn ở mức như cách đây khoảng 2 tháng. Sườn thăn 150.000 đồng/kg; nạc thăn, nạc mông, ba chỉ 140.000 đồng/kg; móng giò từ 80.000-90.000 đồng/kg; thịt bò 280.000 đồng/kg. Nhiều người tiêu dùng nhận xét giá thịt lợn vẫn đứng ở mức cao.

Tương tự, rau xanh gần đây dù đã hạ giá nhưng vẫn khá đắt. Rau muống 10.000- 12.000 đồng/mớ; mồng tơi 7.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg. Các loại rau hành, thì là, rau xà lách đều đắt đỏ.

Đối với thực phẩm chế biến sẵn, nhiều mặt hàng không những không giảm giá mà còn tăng. Chị Nguyễn Hoa Liên (chủ cửa hàng tạp hóa tại Hà Đông- Hà Nội) cho biết, sữa Vinamilk hộp 180 ml tăng 10.000 đồng/thùng, lên giá 345.000 đồng/thùng; Mì chính, đường tăng giá nhẹ thêm 1.000- 2.000 đồng/kg lên lần lượt là 65.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg.

Trong khi đó, sau khi thiết lập mặt bằng giá mới cách đây vài tháng thì mì ăn liền giữ ổn định ở mức cao. Mì Hảo Hảo bán ra 108.000-110.000 đồng/thùng; Mì Omachi 215.000 đồng/thùng; Mì Cung Đình 215.000 đồng/thùng; Mì Kokomi 65 là 80.000 đồng/thùng;

Sau thời gian tăng giá mạnh, giá dầu ăn hiện đã ổn định với khoảng 65.000 đồng/chai 1 lít Neptune hoặc Simply.

Đại diện siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, đến thời điểm hiện tại nhà bán lẻ này chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá bán từ các nhà phân phối. Giá bán các hàng hóa khác vẫn được giữ nguyên như khi giá xăng dầu đứng ở mức đỉnh như hồi tháng 7.

Nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chịu giảm được cho là giá nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, thời gian qua giá dầu giảm ít hơn, thậm chí còn cao hơn giá xăng mà dầu được sử dụng nhiều trong sản xuất, vận tải nên tác động nhiều đến giá thành hàng hóa.

Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư. Dự báo giá nhóm hàng này còn có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra.

Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.

Tại kỳ điều hành chiều 12-9, giá các mặt hàng xăng dầu đồng loạt giảm hơn 1.000 đồng/lít (kg). Giá xăng dầu được đánh giá đã trở về mức thấp, tương đương với cuối năm 2021.