Xăng dầu tăng giá, vận tải tăng cước

ANTĐ - Đợt điều chỉnh xăng dầu vào chiều 13-8 vừa qua tác động mạnh lên giá cước vận tải. Sau đợt điều chỉnh này, các doanh nghiệp taxi và vận tải hành khách, hàng hóa đều tính toán điều chỉnh giá cước tăng.

Một số hãng taxi, vận tải hành khách đang tính toán phương án tăng giá cước

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tính toán, chỉ trong vòng 23 ngày, xăng dầu đã có 3 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp. Theo đó, so với thời điểm trước ngày 20-7, giá xăng đã tăng thêm 2.400 đồng/lít, tăng trên 10%, còn giá dầu đã tăng  1.650 đồng/lít, mức tăng trên 7%. “Trong hai lần tăng giá xăng dầu trước đó, mức tăng đối với xăng là 1.300 đồng/lít, dầu là 900 đồng/lít, ngành vận tải đã cố gắng không tăng giá để ổn định thị trường. Nhưng, đợt tăng vào ngày 13-8 vừa qua tạo sức ép quá lớn, bắt buộc các doanh nghiệp phải tính toán đến việc tăng giá vận tải để bù chi phí nguyên liệu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi theo ông Hùng sẽ phải tính toán điều chỉnh giá đầu tiên, vì taxi chạy bằng xăng, mức tăng lớn. Tuy nhiên, ông Hùng cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, nên tăng trong khoảng từ 300-500 đồng/km. Còn với vận tải hành khách, chạy bằng dầu, đúng ra trong thời điểm khách đi lại giảm, khó khăn thì không nên tăng giá. Nhưng đợt tăng giá xăng dầu này giáp với kỳ nghỉ lễ 2-9, nên các doanh nghiệp sẽ tăng giá cước. “Các doanh nghiệp vận tải không nên lạm dụng việc tăng để hưởng lợi nhuận cao. Chỉ nên tăng trong khoảng 3-4% so với giá cước hiện tại, bù lại giá xăng dầu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo. 

Dù xăng dầu đang được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhưng ông Hùng không khỏi băn khoăn, cơ chế thị trường nhưng tại sao chỉ có một giá? Nhà nước có công cụ để quản lý giá xăng dầu trong tay nhưng lại để chỉ trong 23 ngày, giá xăng được điều chỉnh tăng đến 3 lần, gây bức xúc trong dư luận, xáo trộn cuộc sống của người dân. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, hoặc trích từ quỹ  bình ổn giá xăng, để xăng dầu không bị điều chỉnh đến chóng mặt như thời gian vừa qua. 

“Cước taxi của hãng chắc chắn sẽ phải điều chỉnh tăng trong vài ngày tới”, là khẳng định của ông Đào Tuấn, Phó Tổng giám đốc taxi Mai Linh. Theo ông Tuấn, trong 2 lần tăng giá xăng dầu trước đó, hãng đã giữ nguyên giá cước không điều chỉnh, song, lần tăng vừa qua đã quá sức chịu đựng, bắt buộc doanh nghiệp phải tính toán đến việc tăng giá. “Chúng tôi đã họp bàn, tính toán chi phí đầu ra, đầu vào đã quyết định tăng từ 800-1.000 đồng/km, bắt đầu từ ngày 16-8”, ông Tuấn cho biết.

Tương tự, giá cước vận tải hành khách cũng đang được các doanh nghiệp vận tải tính toán tăng giá trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty cổ phẩn Du lịch thương mại Hùng Cúc cho biết, doanh nghiệp hiện đang có hơn 20 đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Nghệ An… Chiếm khoảng 15% chi phí đầu vào đối với vận tải hành khách, ông Hưng cho biết, doanh nghiệp đang tính toán để tăng giá cước bù vào khoản tăng xăng dầu mấy đợt vừa qua. “Dù là mức tăng do doanh nghiệp tự hạch toán, nhưng chắc chắn, tỷ lệ tăng giá cước sẽ không vượt quá mức tăng của xăng dầu”, ông Nguyễn Văn Hưng nói. 

Song, không phải doanh nghiệp vận tải nào cũng tính đến việc tăng giá xăng dầu trong đợt này. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc điều hành hãng taxi ABC cho biết, hãng này sẽ không tăng cước taxi, mặc dù, 2 lần tăng giá xăng dầu trước đó, hãng cũng chưa điều chỉnh. Nguyên nhân được ông Hải cho biết, việc không tăng giá cước lần này hoàn toàn vì lợi ích của khách hàng, nhiều khách hàng đã ký hợp đồng vận tải. Hơn nữa, việc tăng cước cũng rất phức tạp, mất thời gian. Theo đó, mức tăng cụ thể do các hãng quyết định, sau đó đăng ký với các cơ quan quản lý và lập trình lại giá cước mới, kiểm định lại đồng hồ mất nhiều thời gian, nếu áp dụng giá mới thì cũng phải mất vài ngày mới xong thủ tục. Do vậy, ông Hải cho biết, sẽ chờ diễn biến tiếp theo của thị trường xăng dầu thì hãng mới tính toán đến việc tăng giá.