Xăng dầu phải có mạng phân phối nội địa cạnh tranh lành mạnh

ANTĐ -Việc giá xăng dầu tăng 2 lần liên tiếp chỉ trong vòng nửa tháng khiến người dân không khỏi lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để câu chuyện giá xăng dầu không trở thành “bức xúc” của người tiêu dùng, Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đã trao đổi với phóng viên bên lề phiên họp Quốc hội chiều 22-5.
Xăng dầu phải có mạng phân phối nội địa cạnh tranh lành mạnh  ảnh 1

- PV: Theo phân tích của Bộ Công Thương, việc tăng giá xăng dầu lần thứ hai liên tiếp trong vòng 1 tháng qua là bất khả kháng do biến động của giá thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch: Theo tôi tìm hiểu, việc giá xăng dầu vừa điều chỉnh tăng hôm 20-5 không phải do biến động của giá xăng dầu thế giới mà chính do chúng ta chuyển, nâng phí môi trường với xăng dầu từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Tôi cho rằng, khi được giải thích đúng, người dân hoàn toàn chia sẻ với việc tăng phí môi trường với xăng dầu, nhưng nhìn lại thì thấy bức xúc của người dân hiện nay liên quan đến giá xăng dầu cũng xuất phát từ chính phí môi trường. 

Theo tôi, cần làm rõ cơ sở nâng phí môi trường với xăng dầu từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít. Vấn đề quan trọng nữa là phải sử dụng phí môi trường như thế nào cho hợp lý. Ngay các nhà phân phối xăng dầu nội địa cũng vẫn còn kêu ca vấn đề hiệu chỉnh chưa rõ. Dĩ nhiên trong vấn đề thu phí cũng có mục đích không để chênh lệch giá quá lớn giữa nước ta với các nước lân cận để tránh buôn lậu xăng dầu. Song gốc vấn đề, đã là phí thì phải sử dụng đúng mục đích của phí, minh bạch nguồn này chứ không phải mang đi để bù đắp ngân sách vì giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

- Thực tế là giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng giảm. Ông nghĩ gì về điều này?

- Quan điểm của tôi là giá xăng dầu phải tiến dần đến giá thị trường, Nhà nước không can thiệp giá. Muốn vậy, phải sửa lại luật giá, hướng đến thị trường cạnh tranh. Lâu nay chúng ta đã thêm 3-4 lần điều chỉnh nghị định hướng dẫn nhưng vẫn chưa gỡ khó được vấn đề này, chính là do hiện chúng ta can thiệp quá nhiều vào điều hành giá xăng dầu. Hơn nữa, nếu còn can thiệp quá nhiều trong một số loại giá thì khi có sự thay đổi, biến động giá, đương nhiên người dân lại quy trách nhiệm cho Nhà nước. 

Ở nước ngoài, 2 cây xăng cạnh nhau có thể có mức giá khác nhau, người dân tùy ý lựa chọn. Tiến tới giá thị trường là chúng ta tiến tới phương thức như vậy, tuy nhiên khi tiến đến cơ chế thị trường thì cũng phải chú ý chống độc quyền, trong đó có mạng phân phối nội địa. Hiện chúng ta có trên 1 vạn cây xăng, 21 đầu mối có quyền nhập xăng dầu nhưng thực chất chỉ có 7-8 đầu mối có tỷ trọng lớn. Do đó phải làm sao mở rộng được đầu mối để có cạnh tranh, Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc chống độc quyền, quản lý cạnh tranh bình đẳng, có vậy thì mới xử lý được vấn đề.

Xăng dầu phải có mạng phân phối nội địa cạnh tranh lành mạnh  ảnh 2

- Có một chi tiết đáng chú ý là việc điều chỉnh giá xăng dầu tăng hôm 20-5 đến ngay sau khi Petrolimex công bố khoản lãi rất lớn so với cùng kỳ năm trước. Điều này với ông có gì bất ngờ?

- Với doanh nghiệp, có thể lúc này họ lãi, lúc sau lại lỗ nên rất khó để bình luận, chẳng hạn ngoài lợi nhuận kinh doanh trực tiếp họ cũng phải tính cả đến vấn đề an toàn dự trữ thương mại. Hơn nữa, Petrolimex chỉ chiếm khoảng 50% thị phần phân phối xăng dầu trong nước nhưng mạng lưới bán lẻ chủ yếu là tư nhân.

Dù vậy, tôi cho rằng ngoài vấn đề đưa giá xăng dầu tiến tới giá thị trường thì chúng ta cần phải tính toán lại tổng thể mạng lưới phân phối xăng dầu nội địa, làm sao để có được mạng phân phối nội địa cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để người dân lựa chọn. Nếu Quốc hội không có một chuyên đề giám sát về xăng dầu thì các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế hoàn toàn có thể làm được và nên làm cho rõ.

- Cảm ơn ông!

Cần có chuyên đề giám sát phù hợp 
Phải xác định giá cả xăng dầu lên xuống theo quy luật thị trường, Quốc hội có thể có nhiều hình thức từ giám sát trực tiếp đến giám sát qua hệ thống văn bản của các bên có trách nhiệm liên quan đến việc điều chỉnh này. Chẳng hạn trước đây Quốc hội cũng đã có chuyên đề giám sát riêng về giá điện. Thực tế có câu chuyện doanh nghiệp khi muốn xin tăng giá thì báo cáo lỗ nhưng khi cần báo cáo xin chia thưởng từ nguồn lãi thì lại báo cáo lãi cao. Nếu cần thiết với xăng dầu cũng có thể kiến nghị Quốc hội có một chuyên đề giám sát. Hơn nữa, khi đã có ý kiến cử tri phản ánh với ĐBQH, ĐBQH cũng sẽ có trách nhiệm đề xuất Quốc hội về việc cân nhắc chuyên đề giám sát với giá xăng dầu nhưng giám sát thế nào thì phải lựa chọn những hình thức cho phù hợp.
ĐB Đinh Xuân Thảo, 
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)