Xăng dầu giảm sâu, vận tải vẫn chỉ "hứa" giảm cước

ANTĐ - Xăng dầu đã 12 lần giảm giá liên tiếp, đặc biệt đợt giảm giá kỷ lục vào ngày 22-12 vừa qua với mức giảm hơn 2.000 đồng/lít xăng. Tuy vậy, cước vận tải vẫn chỉ hứa hẹn, sẽ giảm giá.

Xăng dầu giảm sâu, vận tải vẫn chỉ "hứa" giảm cước ảnh 1Cước vận tải đang trông chờ vào lời hứa giảm của các doanh nghiệp

Xe khách đang cân nhắc

Từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm tổng cộng 7.750 đồng/lít. Song, cước vận tải khách và taxi vẫn chỉ giảm mang tính đối phó. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát thông tin, đến thời điểm này chưa nhận được thông báo giảm giá cước vận tải của doanh nghiệp nào: “Tôi nghĩ sau từ 7-10 ngày nếu có giảm giá thì các doanh nghiệp vận tải mới thông báo. Mỗi lần thay đổi giá cước, doanh nghiệp vận tải phải đề xuất với cơ quan chức năng, in ấn lại vé. Vì vậy, độ trễ giảm giá cước thường chậm hơn giảm giá xăng”. Tuy vậy, ông Thành cũng thừa nhận, từ đợt xăng dầu giảm giá sâu đến nay mới có khoảng 20 đơn vị vận tải thông báo giảm giá cước, trên tổng số hơn 100 đơn vị kinh doanh tại bến xe này, đơn vị giảm cao nhất là 16%. Đại diện bến xe Giáp Bát cho hay: “Chúng tôi đã gửi tới các doanh nghiệp vận tải đăng ký giảm giá cước. Hy vọng đợt này sẽ giảm sâu vì giá xăng dầu giảm mạnh. Rất ít có khả năng giá vé đợt nghỉ Tết Dương lịch này tăng dù nhu cầu đi lại cao hơn”.

Tương tự, tại bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe cho biết, mức giảm vận tải khách tuyến cố định tại bến xe này dao động từ 5-7%, cao nhất là 15%. “Ngày 22-12 giá xăng mới tiếp tục một đợt giảm sâu nữa, nếu có giảm giá cước vận tải thì cũng phải 5- 7 ngày nữa”, ông Tuấn cho biết.

Taxi vẫn án binh

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Điện Biên, Giám đốc Công ty CP Vận tải ôtô Điện Biên, trước đợt giảm giá xăng dầu ngày 22-12, đơn vị đã giảm giá cước vận chuyển hành khách từ 4-9%. Cụ thể tuyến Điện Biên-Hà Nội giảm từ 375.000 xuống 360.000 đồng, tuyến Lai Châu-Hà Nội giảm 30.000 đồng còn 300.000 đồng. “Việc giảm giá mạnh như ngày 22-12 vừa qua, doanh nghiệp vận tải cũng cần “độ trễ” để thực hiện sau đó mới công bố. Đương nhiên, sẽ có phương án giảm giá tiếp”, ông Mạnh khẳng định. Lý giải cho việc này, ông Mạnh cho rằng, sự biến động giá thành không nhất thiết phải theo biến động tức thì của giá nhiên liệu mà còn phụ thuộc vào thủ tục. 

Đối với cước vận tải hàng hóa, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, cước vận tải hàng hóa khác biệt so với vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa chủ yếu phụ thuộc theo nhu cầu vận chuyển, theo sự thỏa thuận giữa chủ hàng và chủ xe. Vì vậy, mức giá tùy thuộc cung cầu ở những thời điểm khác nhau, nếu có giảm cũng chỉ là tương đối. 

Còn với vận tải taxi, một số đơn vị cũng đã thông báo giảm giá cước, tuy vậy mức giảm còn khá khiêm tốn và mang tính đối phó. Cụ thể, một số đơn vị chỉ đăng ký giảm giá cước mở cửa từ 500-700 đồng, còn cước các kilomet tiếp theo vẫn giữ nguyên. Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành có nhu cầu lớn về taxi như Hà Nội, TP. HCM, mức cước giảm chậm và giảm nhẹ hơn. Tại Thái Nguyên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên cho biết, cước taxi trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 2.000-3.500 đồng/km so với hồi đầu năm 2014. Cụ thể, dịch vụ taxi giá mở cửa là 6.000 đồng cho km đầu tiên, từ km thứ hai đến dưới 20km  là 9.500 đồng/km. Tại Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp taxi vẫn “án binh bất động” sau đợt giảm giá xăng dầu kỷ lục vừa rồi, trước đó mức cước có giảm nhưng chỉ giảm giá mở cửa từ 500-700 đồng/km.