Xâm phạm bản quyền không biết kêu ai!

ANTĐ - Ý thức về việc bản quyền còn chưa rõ ràng, thiếu hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… từ nhiều năm nay, bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực phim điện ảnh và truyền hình luôn là vấn đề trăn trở của những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. 

Nếu không rõ ràng trong việc quy định quyền tác giả, những tác phẩm 
có giá trị sẽ khó đến được với công chúng 

Bản quyền thuộc về ai?

Là một trong những “nạn nhân” của việc xâm phạm bản quyền, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh không ít lần chịu cảnh “ngậm đắng nuốt cay” khi công sức bỏ ra bị coi nhẹ. Ông cho biết, bỏ công sức làm phim nhưng nhiều khi phim được mang đi chiếu ở nước ngoài chính ông cũng không hay biết. Không thể chủ động với chính tác phẩm của mình, NSND Đặng Nhật Minh dẫn chứng, mới đây, gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm có ý định xin Đài Truyền hình phát lại bộ phim “Đừng đốt” do ông đạo diễn. Nhưng khó một nỗi, bộ phim lại do một đơn vị tư nhân nắm giữ bản quyền và khi việc thương thảo tiền bản quyền đi vào ngõ cụt, bộ phim đã không thể lên sóng trong sự tiếc nuối. Theo NSND Đặng Nhật Minh, một khi vẫn chưa rõ ràng trong việc quy định đối tượng sở hữu bản quyền và trách nhiệm của những người nắm giữ bản quyền thì người nghệ sỹ cũng mất đi quyền chính đáng là được gửi đến công chúng những tác phẩm mình đã dày công gây dựng.    

 

Sự phát triển nhanh chóng về công nghệ Internet kéo theo những món lợi khổng lồ từ việc xuất bản những tác phẩm trái phép trên mạng cũng đang là vấn đề với các nhà làm phim. Theo ông Đào Việt Dũng, đại diện Công ty Đầu tư Phát triển An ninh Công nghệ cao (CNC), 90% lượng người dùng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến (VOD) tại các website, với sự chuyển dịch lớn từ thói quen xem truyền hình sang Internet. Cũng theo ông Dũng, trong số khoảng 400 website khai thác dịch vụ này ở Việt Nam thì không ít các website đang hưởng những món lợi lớn từ việc đăng tải các nội dung không có bản quyền. Việc phát triển ồ ạt, tự phát của những website này với nhu cầu ngày càng tăng của người dùng Internet khiến khó kiểm soát những tác phẩm điện ảnh. Chỉ sau khi bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn xuất hiện tràn lan trên mạng và in hàng loạt tại thị trường băng đĩa lậu, những tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh mới có dịp bùng phát.  

Vụ việc phát tán “Bụi đời Chợ Lớn” trên mạng Internet là minh chứng điển hình
cho việc xâm phạm bản quyền

Điện ảnh cũng cần được bảo vệ 

Hạn chế trong nhận thức về quyền tác giả, những món lợi từ môi trường kỹ thuật số, các tổ chức quản lý tập thể chưa đủ mạnh… là những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực phim điện ảnh và truyền hình ngày càng trở nên phổ biến. Trong bối cảnh đó, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2013 được mong chờ sẽ đưa ra những giải pháp mạnh tay để xử lý các trường hợp vi phạm. Nghị định này đã quy định cụ thể các mức phạt: đối với hành vi xâm phạm bản quyền phân phối tác phẩm phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng; đối với hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng (qua các phương tiện hữu tuyến, vô tuyến hay bất cứ phương tiện kỹ thuật nào không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả) sẽ bị phạt từ 15 đến 30 triệu đồng… Tuy nhiên để áp dụng vào hoạt động thực tiễn của điện ảnh vẫn là vấn đề nan giải khi các vụ việc vi phạm bản quyền đã lan rộng ra phạm vi quốc tế và trở nên khó kiểm soát. 

Nhìn lại vấn đề bản quyền cách đây 10 năm đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa có một tổ chức nào đứng ra bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ, chỉ mong có một đơn vị quản lý tập thể sớm thành lập, để người làm nghệ thuật chân chính yên tâm cống hiến. Muộn cũng phải làm, nếu không điện ảnh Việt Nam vẫn cứ rơi vào cảnh “thất thoát”, không biết kêu ai.