Xã hội hóa lợi nhuận?

ANTĐ - Thực hiện chính sách xã hội hóa, các bệnh viện công đã đưa dịch vụ cao, kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh, nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế, cải thiện chất lượng phục vụ…, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã được báo cáo như vậy khi thị sát các bệnh viện công lập ở Hà Nội. Theo đó, hiện có gần 770 giường dịch vụ tại 8 bệnh viện công của Hà Nội gồm: Ung Biếu, Việt Nam - Cu Ba, Vân Đình, Hà Đông, Đống Đa, Đức Giang, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội. 

Thế nhưng đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã “mục sở thị” nhiều bệnh viện tại Hà Nội không đầu tư mở rộng diện tích mà chỉ kê thêm giường, làm gia tăng tình trạng quá tải!

Giải trình điều này, ngành Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh có điều kiện kinh tế, giảm quá tải các tuyến trên, một số bệnh viện sau khi đảm bảo yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn đã sắp xếp cơ sở diện tích sẵn có, đầu tư thêm để có các buồng, phòng dịch vụ theo yêu cầu. Và cho rằng, đây là hình thức sử dụng nguồn kinh phí ngoài nguồn ngân sách.

Thực tế, có nhiều bệnh viện không đầu tư thêm, mà kê thêm giường, nhiều bệnh viện dành 20-30% cho giường dịch vụ khiến ảnh hưởng đến diện tích quy chuẩn 5 m2 cho một giường, nếu tính chi li chỉ còn là 2m2 trên một giường. Trong khi phòng dịch vụ chỉ kê 1-2 giường thì các phòng khác bị kê dày thêm giường làm gia tăng tình trạng quá tải tại các bệnh viện công.

Báo cáo giám sát của HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện xã hội hóa trong bệnh viện công trên địa bàn đã hé lộ nhiều sự thật đáng được xem xét lại. Tài sản công từ nguồn ngân sách Nhà nước nay được hô biến thành các phòng điều trị dịch vụ thì không thể coi là kinh phí ngoài nguồn ngân sách. Chưa kể  nhiều cơ sở, đơn vị khám chữa bệnh công lập còn áp dụng phương thức “khoán” từ dịch vụ trông giữ xe, phục vụ dinh dưỡng, ăn uống đến cả cung ứng vật tư, thuốc men…

Theo ghi nhận thì các liên doanh, liên kết xã hội hóa chỉ tập trung vào những lĩnh vực mang "màu sắc thương mại" thu hồi vốn nhanh, sinh lời cao và ở những bệnh viện có đông bệnh nhân…  "Quyền lợi người bệnh là cao nhất", đoàn giám sát luôn nhắc nhở các bệnh viện, nhưng có vẻ thực tế đã không được như vậy khi lợi ích luôn nghiêng về nhà đầu tư, thậm chí có nơi đối tác ngoài hưởng lợi tới 85% và sự thiếu rõ ràng, minh bạch trong việc tính đúng, tính đủ đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi: "Phải chăng những rủi ro từ ăn chia được dồn cho người bệnh gánh chịu dưới dạng chi phí điều trị?".

Có những bệnh viện để nhà đầu tư làm tất tần tật, người bệnh phải bỏ tiền ra mua đủ mọi vật tư tiêu hao dẫn đến nhiều thắc mắc. 

Cho dù chủ trương xã hội hóa y tế là đúng, nhưng làm như thế nào để không quá chạy theo lợi nhuận dẫn đến lạm dụng xã hội hóa để cố tình lợi dụng trục lợi cho bản thân, cho một nhóm lợi ích. Hiện thiếu những văn bản hướng dẫn, những danh mục thiết bị xã hội hóa thật đầy đủ, cụ thể, rõ ràng để điều tiết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - bệnh viện - người bệnh nên việc xã hội hóa các lĩnh vực thực sự cấp thiết cho khám chữa bệnh, bệnh viện sẽ khó tránh bị "thương mại hóa”.