Wold Bank: Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tiếp cận tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngành Tài chính của Việt Nam tích cực ở cấp độ tổng thể nhưng tiêu cực đối với tài chính toàn diện. Nhiều cá nhân và doanh nghiệp bị loại khỏi hệ thống tài chính và không thể tận dụng đòn bẩy tài chính vào các hoạt động kinh tế của họ.

Đây là đánh giá của Ngân hàng Thế giới (Wold Bank - WB) tại Báo cáo Cập nhật đánh giá quốc gia 2021 vừa công bố.

Theo đó, WB nhận định, ngành Tài chính của Việt Nam vừa tương đối phát triển vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Ngành phát triển về khả năng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân, với 130% GDP, đạt mức cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình, gần với mức được quan sát thấy ở các nền kinh tế tiên tiến hơn, và nằm trong số tốt nhất trong các nhóm đồng hạng – các nước cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, ngành này còn kém phát triển ở cấp độ hộ gia đình và doanh nghiệp” – WB nhận định.

Theo Báo cáo này, tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng tuy không cao hơn quá nhiều nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Khoảng 1/3 số công ty báo cáo những trở ngại vừa phải, lớn hoặc rất nghiêm trọng trong việc tiếp cận tài chính; tệ hơn 1/4 số quốc gia trên thế giới có dữ liệu.

Ngành Tài chính Việt Nam phát triển nhanh nhưng độ bao phủ còn hạn chế (Ảnh minh họa)

Ngành Tài chính Việt Nam phát triển nhanh nhưng độ bao phủ còn hạn chế (Ảnh minh họa)

Việc thiếu tài chính toàn diện không chỉ làm giảm hiệu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ mà còn làm giảm hiệu quả của các phản ứng chính sách khác. Một điều khá rõ là các chính sách tiền tệ sẽ chỉ có tác động hạn chế trong môi trường mà lãi suất thực đã rất thấp. Ở Việt Nam, hiệu quả của các chính sách ngân hàng thậm chí còn bị hạn chế bởi tỷ lệ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và hộ gia đình có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng hoặc sở hữu tài khoản ngân hàng là khá thấp.

Hơn nữa, tài chính toàn diện thấp, bao gồm kiến thức tài chính hạn chế trong các nhóm dễ bị tổn thương, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện gói hỗ trợ tài chính được thông qua vào tháng 4/2020, một phần do gặp khó khăn khi chuyển tiền cho những cá nhân dễ bị tổn thương nhưng không có tài khoản ngân hàng.

Các hộ gia đình không sử dụng và ít sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng không thể tham gia đầy đủ vào sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Mobile money là chất xúc tác thúc đẩy tài chính toàn diện

Theo WB, trong khi ngân hàng số đã phát triển tương đối nhanh ở Việt Nam trong vài năm qua, thông qua nỗ lực của các ngân hàng và xuất hiện của các nhà khai thác mới (ví điện tử), Việt Nam vẫn chưa có hệ thống thanh toán di động.

Sau vài năm thảo luận, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép khởi động dự án thí điểm thanh toán qua tài khoản viễn thông (mobile money) trên toàn quốc vào tháng 3/2021. Quyết định này là một bước tiến quan trọng, nhưng sẽ đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa các nhà mạng và các ngân hàng thương mại, các ngân hàng này sẽ cần xác định và tạo tài khoản giao dịch có thể nhận thanh toán bằng tiền mặt. Cần làm rõ các quyết định liên quan đến việc ai sẽ được ủy quyền hỗ trợ các khoản thanh toán này và phương thức phân phối (ví dụ: kích hoạt thẻ).

Sự phát triển của hệ thống mobile money đã chứng tỏ là chất xúc tác thúc đẩy tài chính toàn diện vì nó cung cấp một hệ thống thanh toán nhanh chóng và an toàn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp không có tài khoản ngân hàng và có tiềm năng cung cấp một nền tảng cho hệ thống tín dụng vi mô.

Nỗ lực này cần được bổ sung bằng việc cải thiện tổng thể về hiệu quả và giám sát hệ thống thanh toán, cũng như nâng cao hiểu biết về tài chính — bao gồm thông qua các chương trình giáo dục và bảo trợ xã hội.