Vượt qua "thuốc thử"

ANTĐ - Việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh Biển Đông chính là phép thử đối với sự đoàn kết và hiệu quả của ASEAN cũng như những tuyên bố liên quan đến Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại Malaysia cho thấy, hóa giải những căng thẳng về Biển Đông là thách thức mà ASEAN phải nỗ lực cùng nhau vượt qua.

Vượt qua "thuốc thử" ảnh 1Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Malaysia

Trong bài phát biểu cung cấp riêng cho phóng viên Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng Biển Đông là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với những quốc gia tuyên bố chủ quyền mà còn đối với những quốc gia đứng ngoài tranh chấp. Bởi, theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Biển Đông rất quan trọng đối với thương mại, phương kế sinh nhai, năng lượng và quyền đi lại tự do đối với tất cả chúng ta. Do đó, các bên phải cam kết đối với quy tắc tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. 

Từ nhiều thập kỷ qua, Biển Đông luôn là chủ đề làm nóng khu vực, đặt ra những thách thức với ASEAN. Tuy vậy, không phải lúc nào ASEAN cũng tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông. Khó khăn là ở chỗ trong phạm vi nội khối, chỉ có 4/10 thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam là có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Các thành viên còn lại, nhất là những quốc gia có ít lợi ích liên quan tới Biển Đông, không phải lúc nào cũng muốn bị ràng buộc vào vấn đề hết sức phức tạp này.

Chính vì thế mà có lúc, việc đưa một thông tin nào đó về thực trạng tranh chấp trên Biển Đông vào một văn kiện chính thức của ASEAN cũng đã gặp khó khăn. Thậm chí vào năm 2012, sự khác biệt quan điểm về vấn đề Biển Đông đã khiến Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) tổ chức tại Campuchia, lần đầu tiên sau 45 năm, đã không đưa ra được thông cáo chung. ASEAN cũng gặp khó khăn khi Trung Quốc luôn chỉ chấp nhận đàm phán song phương, trực tiếp với từng bên liên quan, chứ không coi tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc.

Những vướng mắc trên đã khiến ASEAN gặp khó khăn trong nỗ lực chung của khối khi tìm giải pháp cho tranh chấp trên Biển Đông. Thậm chí có nhà phân tích còn cho rằng, Biển Đông đã trở thành “thuốc thử”, đối với sự đoàn kết, gắn kết của các thành viên trong ASEAN. Vì phương thức hoạt động của ASEAN luôn đề cao sự đồng thuận, nên chỉ cần một nước thành viên ASEAN không đồng ý với một đề nghị hay tuyên bố nào đó liên quan đến Biển Đông thì sẽ không có một quyết định chung nào của ASEAN được thông qua. 

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, những tranh chấp trên Biển Đông nếu không được kiểm soát tốt thì rất dễ bùng nổ thành xung đột. Một khi điều đó xảy ra thì không chỉ các nước có tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông bị ảnh hưởng, mà  hòa bình, ổn định của cả khu vực cũng sẽ bị đe dọa. Vì tương lai phát triển của khu vực, ASEAN cần phải đi tìm hướng giải quyết cho vấn đề Biển Đông. Vượt qua “thuốc thử” Biển Đông đã trở thành một trong trong yêu cầu rõ ràng và cấp thiết với khu vực Đông Nam Á.

Lịch sử tồn tại gần nửa thế kỷ qua của ASEAN cho thấy, dù các thành viên phần lớn là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh, nhưng tổ chức này vẫn giành được uy tín và tầm ảnh hưởng trên thế giới. Thành công có được chính là nhờ sự thống nhất, gắn kết giữa các nước thành viên. Vì thế, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông không thể là vật cản đối với sự  hợp tác và phát triển của khu vực. 

ASEAN có niềm tin như vậy vì trong giải quyết vấn đề Biển Đông, có những nguyên tắc chung mà các nước thành viên ASEAN đều thống nhất, chẳng hạn như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).