Vượt qua thử thách để bơi ra biển lớn hội nhập

ANTD.VN - Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) khi chính thức có hiệu lực không chỉ mở ra tuyến “cao tốc” thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà còn là thêm tuyến xa lộ lớn kết nối nền kinh tế Việt Nam với toàn cầu.

Vượt qua thử thách để bơi ra biển lớn hội nhập ảnh 1Hiệp định EVFTA sẽ giúp gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường 27 nước thành viên EU

“Trái ngọt” EVFTA và EVIPA

Ngày 8-6-2020 đã đánh dấu mốc trọng đại trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam khi Quốc hội nước ta đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) với số phiếu tuyệt đối 100% số đại biểu có mặt tham gia “bấm nút”. Việc Quốc hội nước ta phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA trong thời điểm hiện nay đã khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu và đã sẵn sàng thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa cũng như đầu tư. 

Bên cạnh đó việc thông qua EVFTA cũng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi là quốc gia đang phát triển đầu tiên đàm phán thành công và đưa vào thực thi hiệp định thương mại tự do với một liên minh lớn mạnh và sức ảnh hưởng lớn như Liên minh châu Âu (EU). Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. 

EVFTA và EVIPA, được đại diện Chính phủ Việt Nam và đại diện EU ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội, là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững. Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam - từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu trong quan hệ thương mại với các thành viên EU. 

Để có “quả ngọt” EVFTA và EVIPA ngày hôm nay, Việt Nam và EU đã trải qua quá trình dài một thập kỷ không ngừng nghỉ với không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí cả sự chống phá. Trước khi Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn các hiệp định này vẫn còn có ý kiến phản đối với các lý do về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững hay lo ngại về khả năng Việt Nam không thực thi đầy đủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước... Tuy nhiên, phía Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, giải thích với EU về những việc đã, đang làm để chứng minh rằng Việt Nam luôn tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế.

Tuyến “cao tốc thương mại và đầu tư” lớn giữa Việt Nam và EU chính thức đi vào vận hành vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1-8 tới đây. Tuy nhiên, việc thông qua các hiệp định này mới chỉ là khởi đầu, điều quan trọng tiếp theo là cần đảm bảo việc triển khai các hiệp định suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà các Hiệp định này mang lại.

Bơi ra biển lớn hội nhập

Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA giúp kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... Lợi ích với Việt Nam có thể lượng định, đó là khi hiệp định có hiệu lực từ 1-8-2020, EU sẽ ngay lập tức dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào 27 quốc gia thành viên, một thị trường có khoảng 500 triệu người, tổng GDP hơn 17 nghìn tỷ USD (chiếm 22% GDP toàn cầu) và thu nhập đầu người cao với khoảng 33 nghìn USD/năm.

Ngược lại, việc Việt Nam xóa bỏ 48,5% dòng thuế tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Điều này tạo điều kiện cho cả người dân nước ta và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá rẻ.  

Điều quan trọng là Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau trong trao đổi thương mại. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản; nhóm ngành chế biến, chế tạo; nhóm ngành dịch vụ. 

Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam, không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường. Đồng thời, hiệp định có tác dụng như đòn bẩy kích thích đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam. 

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm, thu nhập cho người lao động mỗi năm. Dự kiến, tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng; tăng thu từ thu nội địa khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Về đầu tư, Hiệp định EVIPA là cơ hội Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Theo ước tính, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).  Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Cùng với các hiệp định thương mại tự do đã có từ trước, các hiệp định EVFTA và EVIPA đi vào thực thi đồng nghĩa với việc mọi doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đều có thể tiếp cận với mạng lưới đầu tư kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu thiệt hại lớn do dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại bị gián đoạn, các nhà đầu tư phải tìm cách dịch chuyển dòng vốn và thiết lập lại chuỗi cung ứng thì EVFTA và EVIPA sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam thu hút được các luồng đầu tư mới, chất lượng cao.

EVFTA và EVIPA rõ ràng mang lại rất nhiều lợi thế cho Việt Nam về cả trước mắt cũng trong tương lai lâu dài. Song đi đôi với đó cũng có những thách thức không nhỏ, mà một trong những thách thức lớn nhất là thực hiện đúng các cam kết chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, đây là thử thách mà chúng ta phải vượt qua để bơi ra biển lớn hội nhập.