Con đường của ý chí (3)

Vượt qua mọi sự tưởng tượng

ANTĐ - Sau sự kiện Vũng Rô, những chuyến vận tải từ Bắc vào Nam vốn đã khó khăn, giờ lại càng khó khăn hơn.

5 chiến sĩ của tàu C235 anh hùng


Chiến dịch “chống thâm nhập”

Ngày 3-3-1965, Tướng Westmoreland - Tư lệnh quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã phê chuẩn chiến dịch “Chống thâm nhập” mang mật danh “Market time” để nhanh chóng tăng cường lực lượng kiểm soát, phong tỏa mặt biển, trên không và bờ biển Nam Việt Nam. Để hợp thức hóa, ngày 11-5-1965, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thừa nhận hải quân Mỹ được quyền hoạt động trên vùng biển Việt Nam, được quyền kiểm soát xử lý hoặc phá hủy các tàu “có dấu hiệu là tàu Bắc Việt Nam”. Thậm chí Nguyễn Văn Thiệu còn tuyên bố, hải quân Mỹ hành động không sợ nhầm, nếu có đánh nhầm vào các tàu dân sự hoặc tàu quốc tế thì chính quyền Sài Gòn sẵn sàng chịu trách nhiệm bồi thường.

Mặc dù huy động một lực lượng lớn, sau 20 tuần hoạt động, chiến dịch này vẫn chưa thu được kết quả gì. Tháng 7-1965, Mỹ quyết định tăng số tàu tuần tiễu từ 36 lên 54 chiếc, bố trí ở Quy Nhơn, Cam Ranh, Vũng Tàu. Tháng 8-1965, Mỹ cho thành lập lực lượng đặc nhiệm 115. Lực lượng này bố trí theo 9 khu vực dọc bờ biển từ Vĩ tuyến 17 trở vào có nhiệm vụ phối hợp với hải quân Sài Gòn tuần tra kiểm soát ven bờ nhất là các cửa sông, cửa biển, các vịnh lớn nhỏ...

Song hành với các hoạt động trên, Mỹ gấp rút xây dựng cho quân đội Sài Gòn một lực lượng hải quân “mạnh vào hàng thứ 3 thế giới”. Giữa năm 1965, hải quân Việt Nam cộng hòa có trên 10.000 sĩ quan, binh sĩ, hơn 1.000 tàu chiến các loại... và tất cả đều có chung một nhiệm vụ “Chống thâm nhập”... Từ năm 1965 đến 1966, Mỹ liên tục thành lập thêm các lực lượng đặc nhiệm 117, 116. Nguyễn Hữu Chí - Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn khi đó đã thừa nhận: “Chiến hạm Mỹ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải Việt Nam Cộng hòa”. Đặc biệt, chúng còn rải chất độc hóa học, phát quang những cánh rừng nghi là bến bãi của ta. Riêng trong 2 năm, 1965 và 1966, Mỹ rải 22 đợt chất độc hóa học xuống rừng tràm Cà Mau, chiếm 1/5 số luợng chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.

Dệt huyền thoại bất tử

Tháng 7-1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân đã xác định phương châm vận chuyển trong tình hình mới là “chuẩn bị chu đáo, tận dụng sơ hở của địch”; “du kích, bí mật, kiên quyết và mạnh dạn”. Hướng đi mới được xác định là xa bờ, hoạt động trên vùng biển quốc tế, dẫn tàu theo phương pháp thiên văn. Với tuyến mới này, những chuyến đi của “tàu không số” phải thực hiện hải trình dài hàng nghìn hải lý. Để tránh sự theo dõi của địch, tàu phải ngược lên phía Bắc đến gần Ma Cao (Trung Quốc), rồi đi ra vùng biển quốc tế, sang sát Philippines, Indonesia, có khi vòng tới đảo Palawan, xuống gần Singapore, qua eo biển Malacca rồi về Vịnh Thái Lan... chọn thời cơ thuận lợi cho tàu vào bến. Để che mắt địch, các tàu phải cải dạng cho giống tàu đánh cá hoặc tàu buôn nước ngoài, lắp máy công suất lớn, tốc độ cao, đồng thời phải tính toán, dự trữ thêm nhiều xăng dầu, thực phẩm, đảm bảo đủ cho những chuyến đi dài ngày trên biển. Bằng phương thức ấy, riêng năm 1965, “Đoàn tàu không số” đã tổ chức thành công 3 chuyến chở 187,8 tấn vũ khí vào miền Tây Nam bộ, kịp thời trang bị cho các lực lượng mới được thành lập, góp phần vào chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường Nam bộ, với những trận nổi bật như Bầu Bàng, Đất Cuốc, Dầu Tiếng...

Suốt 14 năm ròng, con đường Hồ Chí Minh trên biển đã dệt nên biết bao huyền thoại về lòng yêu nước, về tinh thần quả cảm của những chiến sĩ tàu không số. Nhiều thủy thủ đã không tiếc máu xương của mình, tình nguyện gửi thân nơi biển khơi để đổi lấy độc lập- tự do cho Tổ quốc. Những huyền thoại đó mãi mãi bất tử trong lịch sử dân tộc.

Đêm 25-2-1968, từ căn cứ A2, tàu C165 chở 64 tấn vũ khí, khởi hành thực hiện hải trình vào bến Vàm Lũng. Đến ngày 29-2, khi đang chuyển hướng vào bờ thì bị 8 tàu địch bao vây, nổ súng uy hiếp, gọi hàng hòng bắt gọn tàu và thủy thủ đoàn. Trước tình thế này, cán bộ, thủy thủ trên tàu đều một lòng sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… Và sau thời gian dài cầm cự, các chiến sĩ tàu C165 đã điểm hỏa khối bộc phá, phá hủy tàu. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ trên tàu trong đó có 15 đảng viên đã anh dũng hy sinh cùng con tàu chở hàng chục tấn vũ khí…

Cũng trong ngày 29-2 năm 1968, khi còn cách Hòn Nèo 6 hải lý, tàu C235 của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị địch phát hiện và áp sát. Biết chắc đến 90% là sẽ phải chiến đấu, nhưng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn cho tàu giữ nguyên hành trình vào bến. Thời điểm này, chiến trường đang tổng tấn công, cần súng đạn hơn bao giờ hết. 2h30 phút ngày 1-3, sau khi tàu C235 thả hết các bao hàng xuống nước, thì tàu địch đồng loạt nổ súng. Trong tình thế cực kỳ khó khăn, phía trước là núi, phía sau là tàu địch không ngớt nhả đạn, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em vừa chiến đấu, vừa điều khiến tàu chạy sát bờ.

Cuộc chiến diễn ra ác liệt, 5 chiến sĩ của tàu C235 hy sinh, 7 người bị thương. Khi đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định cho tàu chạy tốc độ cao, vượt ra khơi, nếu không thoát sẽ cho tàu lao vào quân cảng của địch ở Nha Trang, nổ tàu, phá cảng… Nhưng khi tàu chưa kịp quay mũi thì trúng đạn, máy hỏng, tàu không cơ động được nữa. Không chần chừ, thuyền trưởng lệnh cho anh em bị thương rời tàu, phân công đặt kíp nổ, phá tàu. 2h30 phút, khối bộc phá trên tàu C235 phát nổ, sức công phá dữ dội chấn động đến thành phố Nha Trang. Trong cuộc chiến đấu này, 14 chiến sĩ cùng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hy sinh anh dũng. Và tên người thuyền trưởng anh hùng sau này đã được đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa - đảo Phan Vinh.

Cho mãi đến ngày nay, nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi, vì nguyên cớ gì, bằng kỹ thuật, bằng chiến thuật gì, bằng sự màu nhiệm nào, mà những con tàu bé nhỏ ấy có thể vượt qua bão tố biển cả, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của cả hạm đội hùng mạnh nhất, gần như “rào kín biển” để tới được các bến bờ miền Nam. Và chính những con người ở “phía bên kia” đã cho rằng, Đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện tượng kỳ lạ, vượt qua mọi sự tưởng tượng. Trong cuốn sách “Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải Việt Nam Cộng hòa”, Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “Trên thực tế, đối phương đã sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển… Trên phương diện quân sự, Bắc Việt Nam đã biết cách khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ và chính quyền Sài Gòn,) giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế”.