Vượt ngưỡng thoát nghèo

ANTĐ - Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo ở nông thôn có mức thu nhập bình quân dưới 400.000 đồng/người/tháng, hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ 401.000 - 520.000 đồng/người/tháng. Như vậy, khoảng cách thu nhập giữa hộ nghèo và cận nghèo là rất gần nhau, chưa kể việc bình xét hộ nghèo hiện vẫn còn bị chi phối bởi bệnh thành tích ở địa phương. Trong 8 năm, khoảng cách giàu nghèo ở nước ta từ 4,2 lần đã vọt lên 8,9 lần.

Một số công trình nghiên cứu về đời sống công nhân, người lao động cho biết, tầng lớp này đang nhận mức lương chỉ đảm bảo 60% mức sống tối thiểu, hầu hết ở nhà trọ, 94% phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, đa số bị suy dinh dưỡng. Hai tổ chức phi chính phủ là Oxfam và Action Anh vừa công bố báo cáo tổng hợp 5 năm nghiên cứu về giảm nghèo đô thị giai đoạn 2008-2012 tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.

Theo đó, trong 5 năm qua, nhiều hộ gia đình ở đô thị đã vươn lên thoát nghèo nhờ chiến lược chuyển đổi sinh kế và đầu tư giáo dục cho con cái. Tuy vậy, dưới góc độ đa chiều, tình trạng nghèo đô thị còn tồn tại 5 thiếu hụt cơ bản: thiếu lao động có tay nghề, thiếu khả năng chuyển đổi sinh kế, thiếu vốn xã hội, hạn chế tiếp cận dịch vụ công, môi trường kém tiện nghi và thiếu an toàn. Dù đã có cải thiện về nhà ở, sắm sửa tiện nghi, nhưng tình trạng sở hữu nhà bấp bênh, chưa có “sổ đỏ” còn phổ biến trong hộ nghèo. Rất nhiều hộ nghèo phải đối mặt với chi phí giáo dục, khám chữa bệnh. Báo cáo giảm nghèo chỉ rõ, trong khi tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp THPT có việc làm ngay ở vùng nội thành thấp, thì ở ngoại thành rất cao.

Mặt khác, chi phí học cao đẳng-đại học cho sinh viên ngoại thành từ 2,5-3 triệu đồng/tháng, thật sự là gánh nặng đối với nhiều gia đình nông thôn. Đặc biệt, kết quả khảo sát chỉ rõ, đa phần số con em trong hộ nghèo kém hứng thú với các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn dù đã được hỗ trợ của Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do người nghèo phải lo đi làm để có cái ăn trước mắt; thích vừa học vừa làm và học nghề ngay tại xưởng hơn là theo các lớp học nghề chính thức bởi vì họ chưa tin tưởng vào chất lượng các lớp dạy nghề ngắn hạn. Do khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo quá gần nhau nên ở nhiều địa phương, khi hộ nghèo được vay vốn thì hộ cận nghèo cảm thấy… tủi thân. Nhiều hộ thoát nghèo không phải  hộ sản xuất giỏi, có nhiều đất và cũng không phải đối tượng khách hàng của ngân hàng thương mại. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15 về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Đây là điểm tựa cho hộ cận nghèo giảm sức ép cạnh tranh trở thành… hộ nghèo để được vay vốn. Lãi suất cho vay hộ cận nghèo bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo. Cụ thể, lãi suất cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội là 7,8%/năm và lãi suất cho vay hộ cận nghèo là 10,14%/năm.

Theo nhận định của các chuyên gia tổ chức phi chính phủ, để thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đưa ra những chính sách cho hộ cận nghèo nhằm giúp họ vươn lên, vượt qua ngưỡng thoát nghèo bền vững.