Vượt khó tới Olympic 2016

ANTĐ - Để có được suất dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh - Thế vận hội mùa hè 2016, các VĐV Việt Nam đã phải nỗ lực vượt qua nhiều rào cản từ chính “người nhà”.

Vượt khó tới Olympic 2016 ảnh 1

Trong tấm vé Olympic 2016 của Nguyễn Thị Lụa (trên) và các đồng nghiệp mang theo nhiều tâm sự

Từ người thừa, thành người hùng

Để hoàn thành chỉ tiêu giành từ 15-20 suất dự Olympic 2016, từ năm 2014, ngành thể thao đã mở chiến dịch đầu tư 48,4 tỷ đồng cho gần 50 VĐV trọng điểm. Song, tới thời điểm Thế vận hội chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ khởi tranh và các vòng tuyển chọn sắp hết, thể thao Việt Nam mới chỉ có 14 suất chính thức. 

Điều đáng nói, trong số này có những VĐV… ngoài dự tính, điển hình là Nguyễn Thành Ngưng. VĐV đi bộ này không có tên trong danh sách được đầu tư trọng điểm, thường xuyên phải “tập chay” nhưng chính Thành Ngưng lại là người “cứu thua” cho bộ môn điền kinh khi giành vé dự Olympic 2016, nhờ thành tích tốt tại giải Vô địch châu Á. Trong khi đó, những đồng đội của Ngưng được “chỉ mặt đặt tên” có vé như Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Thanh Phúc đều thất bại. 

Nếu nhìn sang sự “thất bại toàn tập” của tuyển taekwondo, khi cả 4 VĐV là Trương Thị Kim Tuyến, Hà Thị Nguyên, Nguyễn Văn Duy và Phan Trung Đức đều bị loại ở vòng tuyển chọn khu vực châu Á, khiến taekwondo Việt Nam lần đầu sau 16 năm vắng mặt tại Olympic, thì tấm vé của “người thừa” Nguyễn Thành Ngưng đáng để cả ngành thể thao phải suy ngẫm.

Những kỷ lục đáng buồn

Bắn súng là bộ môn mang về 2 tấm vé Olympic 2016 đầu tiên cho thể thao Việt Nam, nhờ thành công của xạ thủ Trần Quốc Cường và đồng đội Hoàng Xuân Vinh tại Cúp bắn súng thế giới 2014, tổ chức tại Tây Ban Nha. Sau chiến tích này, HLV Nguyễn Thị Nhung của tuyển bắn súng được đồng nghiệp trong nước và quốc tế gắn cho biệt danh mới “đi hai, giành hai”.

Ít ai biết rằng, dù rất muốn cử thêm nhiều VĐV dự giải để có thêm cơ hội giành vé Olympic, cũng như cọ xát quý báu nhưng tuyển bắn súng chỉ có thể cử Quốc Cường và Xuân Vinh vì kinh phí hạn hẹp, cùng với đó là việc phải tập bia giấy nhưng thi đấu bia điện tử.

Cách đây 1 tháng, trong lúc cả ngành thể thao đang sốt ruột khi chỉ tiêu suất Olympic mới đạt được một nửa thì 2 nữ VĐV vật của Hà Nội là Vũ Thị Hằng và Nguyễn Thị Lụa xuất sắc mang về thêm 2 tấm vé từ giải vòng loại châu Á tại Kazakhstan, khiến nhiều lãnh đạo ngành thở phào.

Nhưng đằng sau tấm vé tới Brazil của Hằng và Lụa là những câu chuyện hậu trường, không phải ai cũng biết. Một lãnh đạo môn vật (xin giấu tên) tiết lộ rằng trước giờ đội vật sang Kazakhstan thi đấu, lãnh đạo ngành thể thao bất ngờ cắt 1 suất đầu tư trọng điểm của tuyển vật nữ, từ 3 VĐV xuống còn 2 VĐV. “Nghe chủ trương của lãnh đạo mà chúng tôi chết lặng. Trước giờ xung trận, biết nói làm sao với các VĐV. Nhỡ người bị bỏ lại là người đoạt vé Olympic thì sao?”, vị lãnh đạo môn vật kể. 

Hay câu chuyện trên đường sang Kazakhstan thi đấu, phải ăn nằm vạ vật tại sân bay Hàn Quốc đến gần 9 giờ đồng hồ chờ trung chuyển vì lãnh đạo ngành thể thao đặt vé máy bay giá rẻ cho… tiết kiệm, cũng cho thấy sự hời hợt  và… không giống ai của những người có trách nhiệm, bởi sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư cho một VĐV nhưng lại tiếc rẻ vài triệu đồng vé máy bay, khiến VĐV tốn sức.

Với hơn 200 triệu đồng - số tiền mà một VĐV vật được đầu tư trọng điểm, những tấm vé Olympic mà Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa lập “kỷ lục” giành vé Olympic rẻ nhất thế giới, nếu nhìn vào mức một vài tỷ mà VĐV môn khác của Việt Nam được nhận, hoặc gấp nhiều con số đó nếu nhìn vào VĐV của thế giới.

Tính đến thời điểm này, thể thao Việt Nam đã giành 14 suất trực tiếp dự Olympic Rio 2016 gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh),  Như Hoa, Thành An, Lệ Dung (đấu kiếm),  Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (TDDC) và 3 suất ở môn cử tạ.