Vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ

ANTĐ - Từ ngày 1-8, Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ có hiệu lực. Một trong những lỗi vi phạm bị tăng mức xử phạt đang được người dân quan tâm là lỗi điều khiển ô tô vượt đèn vàng.

Vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ ảnh 1Hành vi vượt đèn vàng cũng gây nguy hiểm không kém vượt đèn đỏ

- PV: Theo Nghị định 46 của Chính phủ, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tín hiệu đèn giao thông được quy định như thế nào?

- Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an): Theo Nghị định 46, mức phạt vi phạm về đèn vàng, đèn đỏ được gộp chung, tăng hơn so với Nghị định 171 trước đây.

Cụ thể, nếu vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức tiền từ 1,2-2 triệu đồng đối với ô tô, cao hơn so với Nghị định 171 khi mức phạt chỉ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.

Riêng người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300.000-400.000 đồng. Đối với người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt 60.000-80.000 đồng. Trường hợp người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng vi phạm, số tiền phạt từ 400.000-600.000 đồng. 

 - Nhiều người dân thắc mắc lâu nay khi có tín hiệu đèn vàng họ vẫn đi qua bình thường. Nay việc vượt đèn vàng mà bị phạt cao như vậy thì không khác gì vượt đèn đỏ?

- Đây là suy nghĩ chưa đầy đủ của người dân. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông. Cụ thể, đèn xanh thì được đi, đèn đỏ các phương tiện phải dừng lại. Đèn vàng người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, dừng lại trước vạch dừng; trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Đối với trường hợp đi quá tức là phương tiện đã đi qua vạch sơn sau đó đèn vàng mới bật. Còn phương tiện đi liền kề phía sau nhìn thấy tín hiệu đèn vàng bật sáng thì phải dừng lại ngay. Trong trường hợp tín hiệu đèn vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được phép đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tóm lại, khi nhìn thấy tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, chuẩn bị tư thế và dừng phương tiện trước vạch để đảm bảo an toàn. 

- Hiện tốc độ của phương tiện trong khu vực nội thành cũng như trên quốc lộ đã được nâng cao. Việc tăng mức xử phạt đối với phương tiện vượt đèn vàng có hợp lý không?

- Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ được ban hành nhằm đáp ứng trước những yêu cầu đòi hỏi cấp bách trong vấn đề đảm bảo trật tự ATGT trong tình hình mới.

Theo quan điểm cá nhân tôi, tốc độ của các phương tiện càng tăng thì ý thức chấp hành Luật Giao thông, những quy định đảm bảo ATGT của người điều khiển phương tiện càng phải được nâng cao. Khoảng thời gian giữa đèn vàng và đèn đỏ chỉ cách nhau chừng 2-3 giây, tùy vào từng nút đèn tín hiệu giao thông.

Trong khoảng thời gian này, người dân khi nhìn thấy đèn vàng phải giảm tốc độ, dừng phương tiện lại ngay trước vạch sơn, nhường đường cho người đi bộ cũng như các phương tiện giao thông trên đường được phép di chuyển. Nếu cố tình vượt đèn vàng, hậu quả xảy ra sẽ nghiêm trọng khi tốc độ di chuyển của phương tiện cố vượt đang tăng cao và xung đột với dòng phương tiện được phép di chuyển. Chúng tôi khuyến cáo và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông.