Vượt đại ngàn ở Chiang Mai

ANTĐ - Cách Thủ đô Bangkok (Thái Lan) chừng 800km về phía Bắc, Chiang Mai không chỉ nổi tiếng với những cung điện đền đài mang dấu tích của vương quốc Lanna hùng mạnh thuở nào, mà luôn hấp dẫn du khách bởi, phong cảnh núi non, thiên nhiên hùng vĩ, một địa điểm lý tưởng để thực hiện những chuyến đi bộ dài ngày xuyên rừng già. Bỏ lại những gì thuộc về thế giới văn minh chúng tôi đi bộ khám phá vùng đất Mae Tang (nằm ở phía đông Chiang Mai).

Cảm giác mạnh với trò chơi vượt sông Mae Taeng bằng xuồng cao su

Xuyên rừng và ngủ đêm ở bản người Karen

Với những người lần đầu đến Chiang Mai thì việc mua tour đi bộ phía đông hay phía nam của vùng đất này là một lựa chọn tối ưu và an toàn nhất. Giá tour cho hành trình 2 ngày 1 đêm là 1.200 baht (khoảng 900.000 nghìn đồng) đã được niêm yết sẵn ở hầu hết các đại lý du lịch ở Chiang Mai nhưng chúng tôi vẫn thương thuyết được mức giá thấp hơn mà chất lượng tour không hề bị ảnh hưởng. Điểm đến đầu tiên cách trung tâm Chiang Mai 10km là một nông trang nhỏ trồng rất nhiều hoa lan, ngoài sự đa dạng về các loài lan trong đó có những giống chỉ sống ở những dãy núi phía Đông Chiang Mai chúng tôi còn ngạc nhiên thú vị khi được thăm vườn thực vật  nơi bảo tồn nhiều loài bướm nhiệt đới. 

Rời nông trang, chúng tôi bắt đầu chặng đường đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ xuyên rừng. Những con đường nhỏ ẩn mình dưới những những thân cây to có tuổi đời hàng trăm năm cành lá sum suê toả bóng mát rượi làm quên đi cái nóng nực của mùa hè đang bủa vây. Vào những ngày nắng đẹp có rất nhiều đoàn khách nhỏ tham gia xuyên rừng nhưng rất hiếm khi  các đoàn gặp được nhau trong cánh rừng mênh mông này. Vừa đi đường thỉnh thoảng anh hướng dẫn dừng lại trước những thân cây to lớn chừng chục người ôm mới xuể,  hồ hởi giới thiệu những cây này được bà con dân tộc ít người nơi đây khai thác hàng trăm năm mà không hề đốn chặt họ tận dụng cành to để làm nhà, lá để lợp mái, ngọn non để làm rau ăn vào mùa mưa. Trên đường đi chúng tôi ghé qua một vài hang động là nơi sinh sống chính của các loài dơi Đông Nam Á. Những hang động như thế thường nằm khuất sau những thác nước vào mùa mưa nước lấp đầy cửa hang nên không thể vào bên trong. Nhưng nếu đi vào mùa khô có thể thoải mái khám khá bên trong động và chiêm ngưỡng hàng ngàn con dơi lớn nhỏ đậu thành hàng kín mít trên trần hang.   

Xuyên qua những lớp rừng dày đặc, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn cảnh tượng núi non hùng vĩ. Một màu xanh bạt ngàn trải dài  miên man, kéo dài tận phía chân trời. 

Lý tưởng nhất là đi bộ ngày nắng, những cơn mưa rừng đến bất chợt cũng là một trải nghiệm thú vị khó quên. Xuyên qua khoảng rừng tre hút mắt suốt hơn 2 tiếng bì bõm đi trong bùn đất, chỉ đến khi mệt lả tưởng như không thể cất bước thêm được nữa thì chúng tôi mới đặt chân đến một ngôi làng Karen hay còn gọi là Người Cổ Dài nằm heo hút trong rừng. 

Ngôi làng nhỏ  chỉ vẻn vẹn trên dưới chục nóc nhà đơn sơ được làm từ tranh tre nứa lá. Không điện, không mạng internet, mọi sinh hoạt, ăn uống đều phải tranh thủ diễn ra trước khi ánh mặt trời khuất sau rặng núi phía trước. Thực đơn cho bữa tối nhanh chóng được soạn sửa, trên chiếc bàn dài là 2 cái chậu nhôm to một đựng rau rừng xào thịt và một  chậu canh khoai tây cà ri. Sau một ngày cuốc bộ vất vả, chúng tôi vội vã ăn thật nhanh để kịp chạy đua với mặt trời. Vì khi bóng tối buông xuống mọi hoạt động nơi đây buộc phải chấm dứt chỉ có đống lửa nhỏ cuối sân vẫn tí tách cháy tới khuya. Căn nhà nghỉ cho khách được dựng theo lối nhà sàn ở dưới là lợn, bò trâu, gà của đồng bào. Cảm giác như mình đang nằm đâu đó trong một ngôi nhà của đồng bào dân tộc ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

Vượt sông Mae Taeng bằng xuồng cao su

Sau bữa sáng, chúng tôi tiếp tục cuốc bộ chừng hơn một tiếng đồng hồ đến với Chokchai Elephant Camp để tham gia các hoạt động vui chơi trên sông nước và cưỡi voi. Cảm giác lần đầu tự tay điều khiển chú voi chầm chậm vượt qua một khúc nhỏ trên dòng sông Mae Taeng đúng là khoảnh khắc không thể nào quên.

Các quản tượng nơi đây không chỉ giỏi huấn luyện voi mà họ rất quan tâm đến phát triển và nhân giống đàn voi. Sau một ngày làm việc vất vả voi không bị giam giữ bởi những chiếc xích sắt mà được thả trong rừng cách bờ sông không xa.  Có lẽ được sống trong điều kiện tự nhiên vì thế mà đều đặn năm nào đàn voi cũng sinh sản. Bữa trưa chúng tôi được thưởng thức món nướng từ tôm, cá sản vật của sông Mae Taeng cùng cơm nếp nấu trong những khúc tre to tựa như cơm lam của Việt Nam. 

Sau bữa trưa, chúng tôi được tham gia một trò chơi rất thú vị có tên là Whitewater rafting  - vượt sông bằng xuồng cao su. Con sông Mae Taeng bình thường tưởng như êm đềm, thơ mộng lúc này trở nên hung dữ bởi những khúc cua đột ngột, những bãi đá nhấp nhô. Liên tục nghe tiếng hiệu lệnh từ người hướng dẫn  “trái, phải, dừng, tiếp tục, chuyển vị trí”, sau hơn 1 giờ chúng tôi thở phào khi vượt qua hết những khúc cua chật hẹp và nguy hiểm một cách an toàn.