Vướng mắc trong xử phạt công trình không thực hiện bảo hiểm cháy, nổ

ANTD.VN - Những thiệt hại, tổn thất do cháy nổ gây ra hàng năm ước tính hàng trăm tỷ đồng. Việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ nhằm bù đắp cho những thiệt hại do hỏa hoạn có thể gây ra là giải pháp tối ưu nhưng đến thời điểm này,  các cơ sở vẫn chưa thực sự quan tâm, dẫn đến tình trạng vi phạm chồng vi phạm.

Vụ cháy tại tòa nhà cao tầng Hồ Gươm Plaza, Hà Đông

Công trình nào phải mua bảo hiểm cháy nổ?

Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 15-4-2018, đối tượng mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư. Ngoài các cơ sở bắt buộc trước đây, Nghị định 23/NĐ-CP cũng mở rộng hơn đối với những cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ như: nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên… là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm.

Ngay sau khi Nghị định đi vào cuộc sống, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức, cơ sở doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thực hiện quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Mặc dù đã đưa ra cả thời hiệu và lập biên bản những đơn vị, cơ sở không chấp hành để xử lý những vi phạm, song theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, cho đến thời điểm hiện nay, các công trình, cơ sở tham gia bảo hiểm cháy nổ (theo Nghị định số 23/NĐ-CP) vẫn rất hạn chế, con số tham gia chỉ là đếm trên đầu ngón tay, trong khi hàng chục nghìn công trình, cơ sở kinh doanh, nhà cao tầng đang tiềm ẩn nguy cơ cao về hỏa hoạn. 

 “Quy định về việc mua bảo hiểm cháy, nổ là cần thiết trong bối cảnh công tác PCCC của các công trình hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Trong thực tế diễn ra tình trạng chủ đầu tư còn thờ ơ, né trách nhiệm mua bảo hiểm cho công trình của mình để tiết kiệm chi phí. Do vậy mới dẫn đến tình trạng trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ đang bị đùn đẩy giữa người dân và ban quản lý hoặc đơn vị thuê mặt bằng”.

Phân tích về khó khăn trong việc triển khai xử phạt công trình, cơ sở không tham gia bảo hiểm cháy nổ, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, phụ trách lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy cho hay: “Nghị định 23/NĐ-CP quy định rất rõ, trong đó có nội dung tất cả chung cư cao tầng đều phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, nhưng do mục đích của người mua khác nhau ở chỗ người mua để ở, người đầu cơ, người thuê… nên yêu cầu họ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là rất khó khăn. Trong khi đó, tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, nhưng nhiều công trình chủ đầu tư đã bàn giao cho Ban Quản lý nhà chung cư, vì thế việc xử lý gặp khó khăn”.

Mua không bán, bán không mua?!

Theo tìm hiểu của phóng viên, những khu chung cư đông dân như chung cư Đồng Phát, Hoàng Mai; chung cư HH Linh Đàm và một số công trình tại địa bàn Hà Nội thuộc diện phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và đã đi vào hoạt động, nhưng không thực hiện với lý do, Ban Quản lý không thể tự bỏ tiền đóng bảo hiểm cho cả tòa nhà, tài sản thuộc sở hữu của mỗi hộ dân. Do vậy, khi tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, đơn vị cũng chỉ mua được một phần tài sản bảo hiểm thuộc Văn phòng Ban Quản lý chung cư mà thôi.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải cứ mua bảo hiểm cháy, nổ mà được, bởi cơ sở muốn mua phải đủ điều kiện về PCCC và theo quy định thì đơn vị kinh doanh bảo hiểm mới bán. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có cả nghìn công trình, chung cư cao tầng không đủ điều kiện để tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho biết: “Về nguyên tắc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Nghị định 23/CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ cho các cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC hoặc biên bản kiểm tra đã qua 1 năm, tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Chính vì thế đã rơi vào thực trạng “mua không bán và bán không mua”, tức là người muốn mua thì không đủ điều kiện nên doanh nghiệp không bán, còn người đã đủ điều kiện để mua bảo hiểm bắt buộc thì lại thờ ơ.

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai, việc xử lý vi phạm của cơ sở không chấp hành quy định mua bảo hiểm cháy, nổ gặp khó khăn, bởi mức phạt lên đến 80 triệu đồng, trong khi nhiều cơ sở, chung cư đã bàn giao cho người dân thì họ không thể mua cho tất cả cư dân, còn người dân thì cho rằng việc này phải do chủ đầu tư mua cho họ. Đến thời điểm hiện tại, với nỗ lực và sự quyết liệt của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCN - CAQ Hoàng Mai, mới xử lý được 1 trường hợp vi phạm với mức phạt 80 triệu đồng về lỗi không mua bảo hiểm cháy, nổ đối với công trình cao tầng tại phường Mai Động.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phân tích, việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ cũng là một trong những biện pháp nâng cao ý thức an toàn PCCC của người dân. Tuy nhiên, đa phần người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm cháy nổ, nhiều người nghĩ đã có chủ đầu tư… lo.

Trên thực tế việc chấp hành bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà chung cư, chủ đầu tư hoặc đơn vị đang quản lý vận hành tòa nhà phải có trách nhiệm phân bổ, công bố công khai mức thu và thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu chung của từng nhà chung cư. Đồng thời, người dân có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với phần sở hữu riêng của mình. Theo đó, cần phân định rõ diện tích chung, riêng của chung cư để xác định trách nhiệm của các bên khi xảy ra cháy, nổ.