Vươn “vòi bạch tuộc”

ANTĐ - Trung Quốc đang trên đường trở thành nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới và để giải cơn khát năng lượng ngày càng trầm trọng, nước này đang vươn “vòi bạch tuộc” tới bất kỳ nơi nào có năng lượng.

Trung Quốc đang chế tạo những tàu khoan thăm dò dầu khí khổng lồ để tìm kiếm
các nguồn dầu mỏ đáp ứng nhu cầu gia tăng nhanh chóng

Hãng dầu mỏ BP hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng 2035, trong đó dự báo Trung Quốc sẽ vượt châu Âu để trở thành nền kinh tế nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2035. Báo cáo này cho rằng tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 41% trong giai đoạn 2012-2035, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 55% trong giai đoạn 1989-2012.

Tuy nhiên, trái ngược với xu thế chung, tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng tới mức khủng khiếp là 71% từ nay cho tới năm 2035. Thế nên, cho dù sản xuất năng lượng của nước này sẽ tăng 61% vào năm 2035, song nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc vẫn sẽ tăng từ 22% lên 27% vào năm 2035. Tỷ trọng nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này dự kiến tăng từ 15% lên 20% tổng lượng nhập khẩu năng lượng toàn cầu. 

Báo cáo của BP cũng dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2027 và qua mặt Nga trở thành nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai thế giới sau Mỹ vào năm 2025. Trong khi đó, theo Công ty Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC), sản lượng của công ty sản xuất dầu khí lớn nhất của nước này không thể đáp ứng mức tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước cho dù đã tăng sản lượng dầu khí trên toàn cầu. 

Theo dự báo của BP, cơn khát năng lượng của Trung Quốc sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong tương lai. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng vọt, Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm, tranh giành các nguồn dầu mỏ và khí đốt trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, bất chấp rủi ro và gây căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

Cho rằng khu vực Biển Đông có trữ lượng từ 169-220 tỷ thùng dầu và 16.000 tỷ m3 khí đốt, với tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu mỗi ngày ở Biển Đông vào năm 2020, Trung Quốc đã gây ra những căng thẳng trong khu vực khi đưa ra yêu sách đường lưỡi bò, đơn phương đòi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông, đồng thời Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) nhiều lần gọi thầu khai thác dầu khí trên Biển Đông cũng như liên tục triển khai tới vùng biển này những trang thiết bị thăm dò, khai thác khổng lồ.

Trung Quốc cũng đang ráo riết tìm cách khai thác hoặc ký các hợp đồng cung cấp dầu khí trên khắp thế giới. Một trong những hợp đồng lớn mà CNPC và CNOOC đang theo đuổi là tham gia đấu thầu mỏ dầu nước sâu có trữ lượng lớn nhất thế giới Libra của Brazil với khoảng 12 tỷ thùng dầu, tương đương 3 năm tiêu thụ của Trung Quốc.

Ngoài Mỹ Latin - khu vực khám phá ra nhiều mỏ dầu lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21, Trung Quốc còn vươn “vòi bạch tuộc” năng lượng đến khu vực châu Phi với hàng loạt dự án, hợp đồng khai thác dầu khí tại châu lục chiếm 13% sản lượng dầu mỏ thế giới này.