"Vườn đào” giữa lòng phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Ngọc

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Ngọc

1. Nằm giữa phố Triệu Việt Vương sầm uất ở quận Hai Bà Trưng có một ngôi nhà cổ, khuôn viên rộng vài trăm mét vuông, mặt tiền lên đến 20 mét. Nhìn từ ngoài vào chỉ thấy bức tường rêu phong, cánh cổng gỗ nâu dày chạm trổ luôn khép kín, mái ngói đỏ vươn cao theo kiến trúc phương Đông ẩn mình sau những khóm tre ngà. Thoáng nhìn đã biết chủ nhân của nó là một gia đình gốc Hà Nội xưa nên ngôi nhà vẫn còn giữ được nguyên trạng nét kiến trúc, văn hóa của những trí thức Hà thành.

Hàng năm khi Tết đến Xuân về, những người bạn của chủ nhân ngôi nhà cổ là nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng lại được mời đến tư gia để vừa thưởng trà vừa ngắm hoa đào sắc đỏ. Ngồi giữa khoảng không gian hồng rực ấy, cảm thấy đâu như lạc vào khu vườn đào Nhật Tân, Quảng Bá. Khách đến từ ngoài cổng đã thấy hàng dãy cành đào đỏ thắm, cao tới 5-6 mét trên khoảng sân gạch đỏ và cứ thế chạy hút đến tận cuối khu nhà ăn. Đào được trồng trong những chum sành lớn, mặt chum đắp nổi nhiều họa tiết chim muông, hoa lá. Khi hừng đông, những cành đào rừng thân gộc còn đọng sương mai, rêu xanh bám trên cành mốc trắng, mỗi cành lại mang dáng vẻ khác nhau tạo nên khung cảnh lãng mạn cho ngôi nhà cổ đã tồn tại trên dưới trăm năm.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng (bên trái) và tác giả bài viết

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng (bên trái) và tác giả bài viết

Gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng có truyền thống chơi đào từ thời bố mẹ anh còn sống. Anh kể: “Cha mẹ tôi rất yêu đào. Hồi còn nhỏ, vào những ngày áp Tết tôi thường được bố đưa lên vườn Nhật Tân ngắm hoa đào và khi ra về thế nào ông cũng tìm được một cành đào ưng ý, phải thế đẹp, lắm hoa, nhiều nụ để còn chơi mấy ngày Tết. Ông bảo, ngày Tết có cành đào đỏ trong nhà vừa thẩm mỹ, vừa không khí Tết lại may mắn nhiều lộc. Ông dặn các con rằng: “Muốn chơi đào đẹp thì phải chấp nhận giá đắt, vì vậy các con mỗi ngày chỉ cần bỏ ống vài xu, cuối năm “mổ lợn” là có cành đào đẹp chơi Tết”.

Bùi Việt Hưng nhiễm cái máu chơi đào của cha từ hồi ấy. Mấy anh em mới bàn nhau cùng mua một quả đồi ở tỉnh Sơn La cách Hà Nội hơn 300km để trồng toàn đào rừng. Họ thuê một gia đình địa phương trông coi và cho trồng các loại cây ngắn ngày xen kẽ để thu hoạch. Mấy trăm gốc đào rừng ngày một phát triển, cuối năm ra hoa đều, đẹp, mỗi cây tạo thế khác nhau. Cứ đầu tháng Chạp hàng năm, Bùi Việt Hưng lại lên trại đào để quan sát xem cây nào cho ra hoa và nụ đẹp nhất, dáng độc đáo nhất. Anh cũng đo chiều cao của cây và độ dài của cành để bố trí từng khúc sân sao cho hợp với khuôn viên của ngôi nhà cổ. Nghề chơi cũng lắm công phu. Để có một vườn đào rực rỡ suốt Tết, từ 25 tháng Chạp, Bùi Việt Hưng đã có mặt ở trại đào rồi tìm những cây đào đã đánh dấu từ trước, cưa cành, buộc dây đưa về xuôi bằng xe tải. Do đã tính toán từ trước về chiều cao, độ ngả của từng cành nên anh chỉ việc chôn gốc đào vào từng chum đã chuẩn bị sẵn. Và cuối cùng, cả vườn đào đủ kiểu dáng tỏa sắc đỏ dưới ánh nắng xuân tạo thành một “công viên hoa tí hon” giữa lòng phố cổ Hà Nội.

2. Tôi quen biết nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng đã hơn nửa thế kỷ. Gia đình anh vốn người Hà Nội gốc và vẫn giữ được nếp sống văn hóa qua nhiều thế hệ. Trong ngôi nhà cổ có vườn đào thâm niên cả trăm năm này, 11 anh em nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Việt Hưng được thừa hưởng gia phong nền nếp của bậc sinh thành nên tất cả anh chị em trong gia đình đều tốt nghiệp đại học với nhiều ngành nghề khác nhau về Kiến trúc - Xây dựng - Bách khoa - Y khoa - Du lịch… Họ đều cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc giành độc lập đất nước và đổi mới nước nhà. Bùi Việt Hưng là con thứ tư trong gia đình. Anh đã nhiều năm công tác trong ngành Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam).

Thập niên 80 của thế kỷ trước, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn còn lạc hậu so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các thiết bị máy móc. Hầu hết phóng viên ảnh trong nước đều trang bị máy ảnh của các nước xã hội chủ nghĩa như CHDC Đức, Nga, Tiệp Khắc và Trung Quốc. Máy ảnh Đức như Praktika hay Pentacon đã là sang lắm. Trong khi ấy, nhiếp ảnh gia Bùi Việt Hưng đã sử dụng dòng máy chuyên nghiệp có tên tuổi trên thế giới như Leica, Rolexfex, Lanh hốp, Mamyacenco…; và cho ra đời những tác phẩm đẹp nổi tiếng trong ngành Du lịch Việt Nam lúc bấy giờ. Ảnh Bùi Việt Hưng từng được giới thiệu cả trên các tạp chí nước ngoài với chủ đề đất nước, con người Việt Nam. Anh cũng giành được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, tổ chức hai triển lãm ảnh nghệ thuật gây tiếng vang trong giới ảnh Việt Nam. Bùi Việt Hưng cũng là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từ rất sớm.

Khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, anh em nhà Bùi Việt Hưng nhanh nhạy bắt tay vào làm kinh tế. Giới nhiếp ảnh miền Bắc nói chung đều biết đến tên tuổi anh em Bùi Việt Hưng, Bùi Việt Thắng và Bùi Việt Đại cũng là những người đầu tiên phát triển dây chuyền ảnh màu (Minilab) ở Hà Nội. Sau này họ bắt đầu chuyển giao máy móc, thiết bị Minilab đi các tỉnh phía Bắc, chấm dứt những lò làm ảnh màu thủ công từng tồn tại nhiều năm.

Từ thành công nền tảng ấy, khi tuổi đã cao, Bùi Việt Hưng thành lập Công ty Việt Hồng, đại diện duy nhất của hãng máy ảnh Nikon tại Việt Nam với số nhân viên cả hai cơ sở Hà Nội - TP.HCM là gần 1.000 người. Sau khi chuyển lại toàn bộ hoạt động của công ty cho người con trai làm Giám đốc, Bùi Việt Hưng vẫn cùng những người bạn cầm máy rong ruổi khi Tây Bắc, lúc lại Đà Lạt, Vũng Tàu, đồng bằng sông Cửu Long để cho ra đời những tác phẩm đẹp về con người và phong cảnh đất nước.