Thành tựu của Việt Nam trong “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020 (2)

Vững vàng trong vai trò đầu tàu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mặc dù nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Chủ tịch ASEAN 2020 còn chưa kết thúc, nhưng với những nỗ lực và sự thể hiện trên thực tế, Việt Nam đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế và được thế giới ghi nhận.
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19 do Việt Nam chủ trì tháng 4-2020

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN ứng phó đại dịch Covid-19 do Việt Nam chủ trì tháng 4-2020

Sự tham gia, đóng góp có trách nhiệm cùng tiếng nói “có lý, có tình”

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (lần đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA LHQ năm 2008), vai trò và nhiệm vụ của các Ủy viên không thường trực cũng đã được quy định rõ trong Hiến chương LHQ và không có gì thay đổi so với trước, thế nhưng tình hình thì đã khác xa.

Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt khiến mức độ đoàn kết, thống nhất trong nội bộ HĐBA không còn được như 10 năm trước. Trong nhiều vấn đề, các nước lớn xung đột về lợi ích nên rất khó thống nhất. Trong khi đó, căng thẳng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin không hề “hạ nhiệt”. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành thách thức toàn cầu chưa từng có tiền lệ, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế.

Ngay trong tháng đầu tiên tham gia HĐBA (tháng 1-2020), Việt Nam phải đảm nhiệm luôn vai trò Chủ tịch HĐBA. Đó cũng là thời điểm tình hình chính trị quốc tế rất bất ổn, dẫn đến những lịch trình họp dày đặc. Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp, chủ động đưa ra hai sáng kiến về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN”. Nỗ lực của Việt Nam đã được các nước thành viên LHQ đánh giá cao.

Sự tham gia, đóng góp trách nhiệm và tiếng nói “có lý, có tình” của Việt Nam đối với những vấn đề tưởng như rất xa xôi với chúng ta (như ở châu Phi, Mỹ Latin, Trung Đông...) được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các nước coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở khu vực châu Á như Iran, Hồng Kông (Trung Quốc), Rakhine (Myanmar)… Dư luận báo chí và giới học giả quốc tế có nhiều bình luận tích cực về đóng góp của Việt Nam tại HĐBA LHQ, đặc biệt là nhận định cho rằng Việt Nam là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và “trọng trách kép” trong năm 2020.

Chúc mừng Việt Nam hoàn thành tháng Chủ tịch HĐBA, ông Marc Pecsteen de Buytswerve, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại LHQ nhận xét: “Thật khó khi bắt đầu nhiệm kỳ mà phải đảm nhận vị trí Chủ tịch ngay như vậy, sẽ có rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, Việt Nam đã làm rất tốt và thực sự tạo được dấu ấn với Phiên thảo luận mở về 75 năm Hiến chương LHQ, đặc biệt là trong bối cảnh cả LHQ cũng như thế giới có rất nhiều căng thẳng”.

Còn bà Anne Gueguen, Đại biện - Phó Trưởng phái đoàn đại diện Pháp tại LHQ, thì đánh giá cao “sự khéo léo và hiệu quả” của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ. Bà nêu rõ: “Chúng tôi đã thông qua được một số nghị quyết quan trọng có tầm ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới, như Nghị quyết gia hạn cho phép tiếp tục vận chuyển hàng cứu trợ qua biên giới cho người dân Syria và chúng tôi cũng đã rất nỗ lực thảo luận các giải pháp làm giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Libya”.

Thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ

Việt Nam bắt tay vào chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 ngay từ đầu năm 2019. Thế nhưng, thời điểm chính thức nhiệm kỳ lại rơi đúng vào lúc cả thế giới phải đối mặt với thách thức chưa từng có là dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đại dịch khiến hàng chục triệu người nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người. Trong bối cảnh bất ngờ đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển chương trình cũng như trọng tâm nghị sự của ASEAN sang phòng, chống dịch bệnh, đưa ra các sáng kiến, đóng góp tích cực, thể hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt ASEAN cùng vượt qua thách thức.

Tháng 2-2020, khi dịch Covid-19 vừa lan đến khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 đã trao đổi với lãnh đạo các nước thành viên ASEAN. Từ đó, ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19. Tiếp đó, Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều hội nghị và tham vấn, chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, để tăng cường trao đổi, phối hợp trong và ngoài khu vực ứng phó với dịch bệnh.

Không chỉ là một trong những quốc gia được đánh giá đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, Việt Nam còn chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần hợp tác quốc tế, tương trợ lẫn nhau nhằm vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra. Tháng 4-2020, Việt Nam đã triệu tập Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về đại dịch Covid-19, chứng minh vai trò chủ động và đầy trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội nghị đã thông qua các biện pháp cụ thể như lập Quỹ ứng phó Covid-19, lập kho y tế dự phòng, Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh…

Liên quan đến tình hình an ninh khu vực, Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 2020 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6-2020) đã nhấn mạnh Biển Đông là vấn đề hệ trọng liên quan đến an toàn, an ninh khu vực. ASEAN đề cao lập trường nguyên tắc trong đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế; thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phản ứng kịp thời của Việt Nam trước diễn biến phức tạp của tình hình cũng như các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra đã nhận được sự hưởng ứng của các nước thành viên và cộng đồng quốc tế. Đánh giá vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc củng cố các nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng, Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19.

Có thể khẳng định trong 9 tháng vừa qua, Việt Nam đã đảm đương thành công vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020, đúng như tinh thần chỉ đạo mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó” cần xác định đây là “một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Ðảng và Nhà nước”. Việt Nam đã cho thấy uy tín và năng lực để thế giới trao gửi niềm tin cũng như những kỳ vọng trong những nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu. Kết quả đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập đất nước.

(Còn tiếp)