Vung tay quá trán, ai làm khổ dân?

ANTĐ - Sau hơn 5 năm thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ cùng các Bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đã có gần 20% số xã và gần 20 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cùng nhiều đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Bộ mặt nông thôn có những thay đổi rõ rệt, cơ sở vật chất khang trang, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện hơn, niềm tin vào các chính sách của Đảng, của Chính phủ và công cuộc xây dựng NTM ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, cũng trong công cuộc trường kỳ này, nhiều bài học đã được rút ra, trong đó, có cả những sai lầm nghiêm trọng do nhận thức chưa đúng, cùng với tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích... Câu chuyện tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu mới đây là một ví dụ. Huyện này được tỉnh Bạc Liêu chọn làm điểm xây dựng NTM.

Ngay sau đó, do nóng vội và chạy theo thành tích, Huyện ủy, UBND huyện Phước Long lập tức cho xây dựng ồ ạt các công trình phục vụ NTM trong khi không cân đối, bố trí được nguồn vốn, dẫn đến không lâu sau đó huyện này đã trở thành con nợ lớn của các nhà thầu, các cơ sở bán vật liệu xây dựng...

Đến cuối năm 2015 con số nợ đã lên tới gần 400 tỷ đồng, trong khi vẫn còn hàng loạt công trình dang dở, không đủ vốn để triển khai tiếp. Vì ngân sách đã cạn kiệt nên hàng loạt công chức của huyện nhiều tháng liền bị nợ lương, số tiền nợ lương công chức lên tới 100 tỷ đồng.

Nhưng đáng nói là thời điểm đó, tiền từ ngân sách chi cho huyện vẫn đều, có điều nó lại được chuyển vào... tài khoản của cá nhân và người thân hàng loạt lãnh đạo huyện lúc đó. Hóa ra, để có vốn xây dựng NTM, những vị lãnh đạo huyện này đã... cho huyện vay lãi tiền, số tiền cho vay lên đến hàng chục tỷ đồng.

Việc nóng vội, chạy theo thành tích như ở huyện Phước Long không phải là duy nhất mà nó đã từng khiến nhiều địa phương rơi vào những cảnh dở khóc dở cười. Để “về đích” đúng hạn, không ít địa phương đã không ngần ngại huy động đóng góp của dân một cách tùy tiện, quá mức, thậm chí theo kiểu “tận thu” khi huy động đóng góp của cả các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh bế tắc. Vì thế, đã tạo nên những bức xúc, những nhìn nhận sai lệch về một chương trình ý nghĩa của Nhà nước. 

Đã nhiều lần, Chính phủ phát đi thông điệp yêu cầu các địa phương phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng NTM phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích.

Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Đặc biệt, xây dựng NTM phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Thế mới là NTM bền vững, chứ xây dựng theo bệnh thành tích, vung tay quá trán như vậy thì có khi lại làm thêm gánh nặng, tăng nghèo cho người dân.