Vui như Tết

ANTĐ - Tết Nguyên đán đã đến gần, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân, đảm bảo tốt cân đối cung cầu, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bảo đảm cho người dân đón Tết Bính Thân vui tươi, an toàn, lành mạnh tiết kiệm. 

Thủ tướng cũng lưu ý, ngành giao thông phải bảo đảm phương tiện đi lại cho nhân dân, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp về quê ăn Tết, không để xảy ra tình trạng lộn xộn ở các bến tàu, bến xe, kiểm soát chặt chẽ giá cước vận tải, giá vé tàu xe. Lực lượng công an bảo đảm ứng trực, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ trong dịp Tết. Đặc biệt, tăng cường tuần tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, bảo đảm TTATGT và phải giảm được số người bị chết, bị thương trong dịp Tết Nguyên đán. 

Trước những hậu quả nặng nề của đợt giá rét, mưa tuyết kỷ lục trong 40 năm qua, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính ứng ngân sách cho các tỉnh hỗ trợ đồng bào khôi phục lại sản xuất, phục hồi đàn gia súc bị chết rét; đồng thời yêu cầu ngân hàng quan tâm hỗ trợ tín dụng, cho người dân vay vốn, sớm vực dậy sản xuất sau thiên tai, chăm lo Tết cho nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả. Nhất là các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiểm soát tốt giá cả, thị trường những ngày áp Tết, đẩy mạnh có hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong việc chăm lo Tết cổ truyền cho người dân được Thủ tướng đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương là chấn chỉnh công tác tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện “thương mại hóa”, “buôn thần bán thánh”, bói toán, tệ nạn “chặt chém” trong hoạt động tổ chức lễ hội đầu xuân.

Trong những năm gần đây, thu nhập, mức sống của người dân đã được cải thiện, nâng lên một mức đáng kể. Dường như nhu cầu ăn Tết đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là chơi Tết. Bởi thế việc tích trữ thực phẩm lo cho “no ba ngày Tết” không còn căng thẳng như mấy chục cái Tết trước. Khi sức mua giảm, tất yếu nhu cầu vui chơi, giải trí, du xuân, du lịch sẽ tăng lên. Đây cũng là một xu hướng đáng mừng của một xã hội đang tiếp cận dần nếp sống văn minh, không còn quá nặng về vật chất, ăn uống mà nghiêng về hưởng thụ những giá trị tinh thần. 

Bởi thế, thay vì kích cầu tiêu dùng, mua sắm Tết, các dịch vụ vui chơi, giải trí, du xuân cũng là một kênh kích cầu cần được quan tâm, cải thiện và nâng cấp chất lượng. Bên cạnh việc chăm lo Tết cho những người dân còn khó khăn, thiếu thốn, rõ ràng không thể xem nhẹ việc lo một cái Tết vui chơi lành mạnh cho nhân dân. 

Dân gian có câu “Vui như Tết”, chứ không phải “Ăn như Tết”. Đó mới là ý nghĩa đích thực, sâu sắc của Tết Việt từ bao đời nay.