Vui buồn phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lâu nay người ta nói nhiều đến phố cổ Hà Nội. Đã có nhiều cuộc hội thảo để đưa ra những giải pháp nhằm tôn tạo, giữ gìn kiến trúc, bản sắc, lịch sử của khu phố cổ đã tồn tại hàng ngàn năm. Nhưng qua hai thập niên của thế kỉ 21 thì phố cổ vẫn là… phố cổ.

Phố cổ xưa và nay có khác chăng là sự biến dạng, méo mó đang ngày càng lộ rõ bởi các kiến trúc tân kỳ xen giữa những ngôi nhà xưa cũ. Điển hình là phố Hàng Bạc, con phố lâu đời nhất của Hà Nội với kiến trúc cổ kính chạy dài từ ngã tư Hàng Đào qua phố Hàng Mắm tới tận đê sông Hồng. Chính tại con phố này, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã có nhiều bức họa để đời, từ những ngôi nhà, góc phố cho đến cảnh sinh hoạt đời thường trước năm 1945. Những tác phẩm của ông đã đi vào tiềm thức người Hà Nội và được trưng bày khắp các triển lãm trong và ngoài nước.

Bên trong khu tập thể Hàng Bông ở phố cổ Hà Nội là cảnh nhếch nhác, xuống cấp

Bên trong khu tập thể Hàng Bông ở phố cổ Hà Nội là cảnh nhếch nhác, xuống cấp

Thăng và trầm

Giờ đây, Hàng Bạc nói riêng và nhiều phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang được “làm mới” bằng những ngôi nhà cao tầng kiên cố. Tiếc là vẻ hiện đại bỗng dưng trở nên kệch cỡm bên cạnh những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với bức tường gạch rêu phong, vì kèo chạm trổ tinh xảo, mái ngói nâu trầm. Đi dọc Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Hàng Bè, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Lãn Ông, Hàng Mành… ta cảm giác giống như như một tấm áo cũ được chắp vá bởi nhiều miếng vải đủ màu sắc lòe loẹt, diêm dúa.

Giữa trưa hè tháng 6, tôi tìm đến nhà anh bạn trên phố Hàng Ngang. Mặt tiền cửa hàng rộng chừng 3m được một hộ kinh doanh quần áo. Bên cạnh là lối đi chung rộng chưa đầy 1m, vừa đủ để dắt chiếc xe máy. Con ngách dài hun hút, đi vào phải định thần một lúc mới nhìn được lờ mờ đồ vật xung quanh nhờ ánh sáng ngọn đèn điện đỏ quạch từ góc tường hắt ra. Ngoài trời nắng chói chang nhưng bên trong căn hộ lúc nào cũng phải bật đèn. Khoảng 5 gia đình chung nhau cái ngõ này.

Sân trong có diện tích chừng hơn 10m2, lủng củng những bếp than, mấy chiếc thùng phi 200 lít chứa nước, cái nào cũng có khóa nắp. Gần 20 chiếc công tơ điện treo trên bức tường vôi tróc lở. Dây điện loằng ngoằng như mạng nhện, cái kéo ngang, cái chạy dọc, cái lôi ngược lên mái nhà. Nhìn hệ thống điện đã thấy có thể chập, cháy bất kì lúc nào.

Từ sân trong đi sâu vào vẫn còn khoảng 4-5 hộ nữa, nhưng diện tích mỗi nhà cũng chỉ trên dưới 10m2. Những căn hộ này vách ghép bằng gỗ ván cũ hoặc cánh cửa sổ hỏng, tối tăm và ẩm thấp. Tận cùng là khu phụ của toàn bộ con ngách, nơi đây rộng chừng 20m2 với một bên là khu bếp và bên kia là nhà tắm, nhà vệ sinh xây cấp 4. Ở đây có một thứ mùi đủ khiến tôi phải quay ra ngay.

Lối đi chung chật hẹp, luôn phải thắp đèn dù giữa trưa

Lối đi chung chật hẹp, luôn phải thắp đèn dù giữa trưa

Bạn tôi ở trên gác 3 và cũng là thế hệ thứ ba sống trong con ngõ này. Anh kể: “Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, bác tôi di cư vào Nam để lại toàn bộ ngôi nhà này cho bố mẹ tôi. Từ đó mẹ tôi có cái cửa hàng dưới nhà mà anh vừa đi qua vào đây. Cụ buôn hàng tấm, giờ người ta gọi là kinh doanh vải. Sau Nhà nước tiến hành công tư hợp doanh, gia đình tôi chỉ được ở phần trên gác, còn toàn bộ phần dưới nhà do phòng nhà đất quản lý.

Thời gian sau, có vài gia đình cán bộ độc thân được phân đến ở. Đầu tiên thì không vấn đề gì dù lối đi chung cũng nhỏ. Lúc đó cũng chỉ có 4 hộ gia đình, đến năm 1975 thì họ chuyển dần vào Nam, nhường lại nhà cho người khác. Từ đấy diễn biến rất phức tạp, người mới đến sinh con, đẻ cái, kéo bà con từ quê lên, rồi ngăn ra nhiều buồng riêng, biến thành những căn hộ độc lập. Rồi họ chuyển nhượng, buôn đi bán lại, toàn người tứ phương đến ở. Những hộ mới đến lại cải tạo, nâng cấp, cơi nới, lấn dần ra lối đi. Giờ thì anh biết rồi đấy, chỉ dắt vừa cái xe máy. Đi ngược chiều là phải giật lùi nhường đường”.

Thành phố cũng cần khắc phục, cải tạo nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Thành phố cũng cần khắc phục, cải tạo nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Khổ như phố cổ

Sống ở đâu cũng vậy, càng đông người thì càng nhiều phức tạp. Ngày ấy, trong con ngách này không ngày nào không xảy ra cãi vã, hết chuyện điện lại sang chuyện nước. Vào hè các gia đình phải thay nhau xuống nhà chầu chực bên vòi nước công cộng xách từng xô lên gác để có cái dùng trong ngày. Nhà không có bể chứa, không có máy bơm cãi nhau với những nhà có. Lý do là bởi họ sợ bị máy bơm “vét” sạch nước trong đường ống. Rồi do dùng chung công tơ điện, chỉ cần 1 hộ không chịu đóng tiền là tất cả phải chịu cảnh thắp đèn dầu.

Nhưng khổ nhất là khu vệ sinh dưới nhà. Những ngày gió nồm, mùi thốc lên đưa vào từng hộ cứ như trời hành mà không biết khắc phục cách nào ngoài việc đóng kín các cánh cửa. Bạn tôi nhớ lại: “Có một chuyện mà giờ mỗi khi nhắc lại vẫn thấy xấu hổ. Cách đây đã lâu, gia đình có khách từ miền Nam ra chơi. Sau bữa cơm, chị vợ muốn đi toa lét, nhà tôi cẩn thận đưa chị xuống tận nơi rồi mới quay lên. Vừa lên tới nhà thì đã thấy chị ấy đứng đằng sau, rồi giục anh chồng ra phố mua ít đồ. Anh chồng hiểu ý vội vàng xin phép đi ngay và không thấy quay lại nữa. Quả thật, vào khu vệ sinh ấy đến đàn ông còn ngại chứ nói gì phụ nữ Sài Gòn”.

Đến khi nào phố cổ mới trở về nét cổ thực sự?

Đến khi nào phố cổ mới trở về nét cổ thực sự?

Về mấy căn nhà tồi tàn sát khu vệ sinh, anh bạn tôi cho biết có có 4-5 gia đình đang ở thuê chen chúc trong đó. Hầu như suốt ngày họ ở ngoài đường để kiếm sống bằng đủ thứ nghề, chỉ đến khuya mới về ngủ và sáng hôm sau lại mất tăm khỏi nhà. Trước đây những căn nhà này là cái sân chung nối liền với khu phụ.

Sau các chủ chia nhau lấn chiếm làm kho, rồi dần dà cải tạo thành từng căn phòng nhỏ cho thuê. Anh thở dài: “Phức tạp lắm, may mà gia đình tôi sống biệt lập trên này, không sinh hoạt chung, không va chạm với các hộ dưới. Nhưng thi thoảng vẫn phải nghe những trận khẩu chiến, thậm chí cả “không chiến” bằng gạch đá. Tất cả là do tranh chấp chỗ ở, va chạm lối đi chung, rồi vay mượn, lô đề… Tôi hỏi: “Phức tạp thế sao anh lại không chuyển đi chỗ khác?”.

“Đã đôi lần vợ chồng tôi bàn bạc, đưa ra phương án sang nhượng rồi mua đất ra ngoại thành xây nhà. Nhưng suy đi tính lại cũng không được bởi tiền bán nhà không đủ mua mảnh đất. Người ta cứ đồn thổi nhà phố cổ đắt như vàng, nhưng làm gì có. Nhà nào có mặt tiền để kinh doanh buôn bán mới giá ấy, còn khổ như nhà tôi thì chẳng ai dại gì mà chui vào rọ cả. Thôi thì đành tự an ủi là tuy ở đây chật chội, phức tạp nhưng vẫn là trung tâm phố cổ. Còn mấy nhà mặt tiền chẳng ai chuyển đi đâu. Diện tích chục mét vậy thôi vẫn rung đùi đút túi vài chục triệu tiền cho thuê nhà mỗi tháng” - anh nói.

Vừa qua Hà Nội chủ trương tái định cư cho những hộ đông người, diện tích chật chội ở phố cổ để tôn tạo, bảo tồn kiến trúc, sắp xếp lại đường phố cho văn minh, thanh lịch. Nhưng xem ra người phố cổ không mặn mà cho lắm. Đa phần vẫn “cố thủ” ở những căn nhà chen chúc, ẩm thấp, thậm chí ô nhiễm về môi trường, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Phương án di dời dân phố cổ cũng là việc cần thiết, góp phần giảm mật độ dân cư trên địa bàn này. Mặt khác, thành phố cũng cần khắc phục, cải tạo nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi đang bị xuống cấp nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho chính chủ nhân. Nhưng biết đến khi nào phố cổ mới trở về nét cổ thực sự thay vì lối sống và kiến trúc luộm thuộm như thế này?

Tin đọc nhiều