"Vua thư rác" từng khiến Chính phủ Mỹ đau đầu

ANTĐ - Sanford Wallace, công dân Mỹ được gọi là “Vua thư rác” vừa bị tuyên án tù và xử phạt nặng vì phát tán vô số tin nhắn rác trên mạng xã hội Facebook. 

Sanford Wallace được biết đến là “Vua thư rác” từ khi Internet còn chưa phổ biến

Sai phạm nhiều, nhưng lần đầu trả giá

Theo tài liệu được nộp lên một tòa án ở thành phố San Jose, bang California, Mỹ hồi đầu tuần này, Wallace đã thừa nhận tội gian lận thư điện tử và coi thường phán quyết của tòa án vào tháng 8-2015. Tòa án này đã tuyên phạt Wallace 30 tháng tù và khoảng 310.000 USD để bồi thường cho việc gửi đi hàng chục triệu tin nhắn rác trên mạng xã hội Facebook. 

Thẩm phán Edward J.Davila cũng yêu cầu “Vua thư rác” điều trị sức khỏe tâm thần và chịu quản chế 5 năm sau khi ra tù. Vị thẩm phán còn cấm Wallace sở hữu hoặc sử dụng bất cứ máy tính nào mà chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Theo cáo trạng năm 2011, Wallace đã sử dụng tài khoản có tên David Frederix và Laura Frederix cùng ít nhất 1.500 tên miền giả khác (trong đó có GayestProfile.com) để thâu tóm phi pháp thông tin tài khoản người sử dụng Facebook, rồi dẫn dụ họ kích vào một đường liên kết trên mạng. Đường liên kết sẽ tải xuống danh sách bạn bè của họ và chuyển hướng những người này tới các trang web khác.

Chỉ từ tháng 11-2008 tới tháng 2-2009, “Vua thư rác” đã khiến hơn 550.000 người sử dụng Facebook “ngập lụt” trong hơn 27 triệu thư rác.

Các công tố viên cho biết, tội coi thường phán quyết tòa án của ông Wallace xuất phát từ việc lờ đi 3 lệnh của tòa án vào năm 2009 yêu cầu ông không bao giờ được “ghé thăm” Facebook. Một thẩm phán liên bang đã ban hành lệnh sau khi Facebook kiện Wallace vì ông ta không ngừng gửi thư rác trên mạng xã hội này.

Trước đó, năm 2007, Wallace cũng bị mạng xã hội MySpace khiếu nại vì “thả bom” tin nhắn rác. Vụ kiện của MySpace và Facebook khiến “Vua thư rác” Wallace bị phạt gần 1 tỷ USD, nhưng ông ta đã không thể trả nổi khoản tiền phạt này. Bản án mới đây là lần đầu tiên Wallace phải trả giá cho hành động phát tán thư và tin nhắn rác của ông.

“Sự nghiệp” gửi tin nhắn rác khó dứt 

Thực tế, “sự nghiệp” gửi thư rác của Sanford Wallace không phải bắt đầu với Facebook mà đã được khởi xướng từ khi Internet còn chưa phổ biến. 

Người đàn ông 47 tuổi này có tai tiếng từ cuối những năm 1990. “Sự nghiệp thư rác” của ông đã khiến Chính phủ Mỹ, các nhà hoạt động chống thư rác và các tập đoàn lớn phải ngồi với nhau để thảo luận cách xử lý. Ban đầu, Wallace sử dụng máy fax để gửi tin nhắn rác, sau đó chuyển sang phát tán phần mềm độc và thư điện tử rác.

Năm 1995, Sanford Wallace thành lập Công ty Cyber Promotions (Cyberpromo). Nhờ chiến dịch quảng bá, Cyberpromo nhanh chóng thành công trong lĩnh vực tiếp thị thư điện tử (email marketing), nhưng công ty này cũng phát đi lượng lớn thư điện tử mà người dùng không mong muốn. Từ đó, người trong giới công nghệ gọi châm biếm là “Spamford” thay vì tên Sanford Wallace. 

Tháng 4-1998, Wallace tuyên bố từ bỏ “sự nghiệp” gửi tin nhắn rác. Công ty     Cyberpromo được chuyển đổi thành công ty tiếp thị thư điện tử “có sự đồng ý của người nhận” và lấy tên mới là GTMI.

Tuy nhiên, GTMI nhanh chóng sụp đổ do vấn đề về tài chính và lượng lớn người hoài nghi về tính chất của nó. Năm 1999, “Vua thư rác” Wallace bị ngắt kết nối Internet và ông đệ đơn kiện nhà hoạt động chống thư rác Mark Welch, tuy nhiên sau đó 1 tháng, ông từ bỏ vụ kiện này. Tháng 10-2003, Wallace  làm việc như một DJ với tên MasterWeb tại các câu lạc bộ đêm ở New Hampshire. Ông cũng sở hữu một câu lạc bộ tên Plum Crazy tại vùng này và nó phá sản năm 2004.

Wallace có vẻ chưa bao giờ từ bỏ thế giới Internet. Tháng 8-2004, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã kiện Wallace và một công ty khác của ông là SmartBOT.net, vì khiến các máy tính lây nhiễm phần mềm độc sau đó lại cung cấp cho chủ máy tính đó phần mềm xử lý mã độc.

Năm 2005, một bản án được ban hành yêu cầu ông Wallace và các cộng sự không được phân phối bất kỳ phần mềm nào mà không có sự đồng ý của người sử dụng. Năm 2006, FTC tiếp tục kiện Wallace về một vụ việc tương tự năm 2004 và lần này ông cùng cộng sự bị phạt hơn 5 triệu USD.