Vừa nghỉ hè, trẻ bị bỏng tăng mạnh

ANTĐ - Khoảng 10 ngày gần đây, lượng bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em bị bỏng vào điều trị tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn tăng vọt 15-20%. Đáng chú ý là thời gian này trùng với lúc trẻ em bắt đầu được nghỉ hè trong khi dự báo các ca bỏng vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày hè tới.

Vừa nghỉ hè, trẻ bị bỏng tăng mạnh ảnh 1Một bệnh nhi được đưa vào điều trị tại khoa Bỏng sáng 3-6

Chủ yếu do bất cẩn

Có mặt tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn sáng 3-6, chúng tôi chứng kiến cảnh 30 giường bệnh của khoa đều đã chật cứng bệnh nhân, trong khi phòng khám cấp cứu bỏng liên tục có bệnh nhân mới được đưa đến. Khoa này điều trị tổng hợp cho cả người lớn lẫn trẻ em, tuy nhiên vào mùa hè lượng bệnh nhi thường chiếm khoảng 60% tổng số bệnh nhân. Theo các bác sĩ, mùa hè bao giờ cũng là mùa có số lượng bệnh nhân bỏng nhập viện đông nhất trong năm. Nguyên nhân chính là bỏng do nước sôi (chiếm 45%).

Khi phóng viên có mặt tại đây, một bệnh nhi ở quận Cầu Giấy vừa được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bỏng nước sôi khá nặng, vết bỏng loang rộng 2/3 phần bụng và đùi. Trong lúc chơi một mình ở nhà, bé sơ ý làm đổ phích nước nóng để trên nền nhà khiến nước nóng bắn vào người…

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, đa số trẻ bị bỏng thời điểm này là do bất cẩn. Nhiều trẻ ở khu vực nông thôn chơi thả diều không may diều vướng vào dây điện, thậm chí một số trẻ còn bị bỏng điện do trèo lên cột điện để bắt tổ chim. Ở thành phố, trẻ được nghỉ hè, nhiều gia đình không có người trông nom, dẫn đến có những trẻ bị bỏng điện khi nghịch lấy thanh sắt, vật kim loại gí vào ổ điện, một số trẻ khác bất cẩn ngã vào nồi cơm canh nóng, làm đổ phích nước nóng lên người do người lớn bất cẩn để vào nơi trẻ dễ va chạm. Hơn nữa, mùa hè số vụ cháy nổ thường gia tăng cũng là lý do làm tăng bệnh nhân bỏng. 

Sơ cứu đúng cách rất quan trọng

Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết, do đặc điểm giải phẫu và sinh lý ở trẻ em khác người lớn nên bỏng trẻ em thường diễn tiến nặng hơn, với diện tích bỏng 5% đã có thể gây sốc. Ngoài ra, trẻ bị bỏng cũng thường gặp các biến chứng như biến chứng nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm mủ khớp, hệ tạo máu, tỷ lệ trẻ bị sẹo sau bỏng cũng rất lớn (chiếm 18-27%) thường gây co kéo, biến dạng chân tay. “Đối với bệnh nhân bỏng, việc sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng. Thế nhưng đáng tiếc là qua theo dõi bệnh nhân thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy nhận thức của người dân về sơ cứu bỏng vẫn rất hạn chế. Không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở thành phố, nhiều trẻ bị bỏng vẫn được người nhà dùng nước mắm tưới lên vết bỏng, bôi kem đánh răng vào vết bỏng, bôi thuốc nam vào vết bỏng… trước khi đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã nặng” – bác sĩ Nguyễn Thống cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Thống, chữa bỏng là một chuyên khoa rất khó, vừa kết hợp cấp cứu, hồi sức, vừa nội khoa, ngoại khoa. Bệnh nhân bỏng phải được chẩn đoán vết bỏng chính xác để đưa ra liệu pháp điều trị, từ chống nhiễm trùng, bù nước, bù điện giải, giảm đau… chứ không phải ca bỏng nào cũng điều trị giống nhau. Ngay cả những bác sĩ non nghề, việc chẩn đoán chính xác độ bỏng nông sâu cũng còn khó khăn. Do vậy, việc tự ý chữa bỏng bằng các mẹo dân gian, các bài thuốc truyền miệng là rất nguy hiểm. Nhất là với bỏng điện, nếu bệnh nhân đến viện muộn, tỷ lệ phải cắt bỏ chi rất cao. Cũng vì lý do này, tại khoa có những trẻ bỏng nặng đến 50-60% diện tích cơ thể, may đưa đến viện kịp thời nên đã được cứu sống trong khi nhiều trẻ chỉ bỏng 15-20% diện tích cơ thể nhưng chữa trị rất khó khăn. 

Cách xử trí khi có người bị bỏng

Bác sĩ Nguyễn Thống khuyến cáo, khi có người bị bỏng, việc đầu tiên là phải bình tĩnh loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người nạn nhân. Ngâm ngay vùng bỏng vào nước sạch (liên tục từ 15-30 phút), nếu nạn nhân ngừng thở phải hô hấp nhân tạo, ngừng tim phải bóp tim ngoài lồng ngực. Tiếp đó, băng tạm thời vùng bỏng lại và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không bôi bất cứ thuốc gì lên vết bỏng.