Vụ xin phép đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển: Thận trọng, tránh tạo tiền lệ xấu

ANTD.VN - Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vừa có hồ sơ gửi Bộ TN-MT xin phép “nhấn chìm” 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận. 

Vụ xin phép đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển: Thận trọng, tránh tạo tiền lệ xấu ảnh 1

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Khối lượng chất thải này đến từ quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Hồ sơ lý giải việc đề xuất đổ thải xuống biển thay vì chôn trên đất liền là do không có mặt bằng thực hiện, đồng thời có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường trên đất liền.

Đề xuất đổ thải xuống biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 làm dấy lên lo ngại về ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển nơi đổ thải và nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến vận tải biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã được Bộ GTVT công bố quyết định vào tháng 10-2014. 

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 4-11, bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần phải rất thận trọng khi xem xét, thẩm duyệt hồ sơ. Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015, khi cần và sau khi thẩm định, đánh giá tác động môi trường nếu không tác hại gì thì có thể cho nhấn chìm xuống biển một số rác thải đã qua xử lý. 

“Ở đây cần xác định xem chất thải đó có đảm bảo yếu tố không tác động tới môi trường không, đã được cơ quan thẩm định đồng ý chưa. Việc thẩm định này không chỉ Bộ TN-MT xem xét mà cần có sự phối hợp giữa các ngành. Vì vậy, trước mắt phải chờ các cơ quan chức năng cho ý kiến chính thức, kết luận” - bà Trần Thị Quốc Khánh nói. 

Cũng theo bà Trần Thị Quốc Khánh, đây có thể xem là lần đầu tiên một doanh nghiệp xin phép đổ thải xuống biển sau khi có Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Khi nhấn chìm chất thải sẽ có tác động với môi trường, trong thời gian dài.

Vì vậy, Bộ TN-MT cũng như các bộ, ngành liên quan khi thẩm định cần thận trọng, tránh tạo tiền lệ xấu. Về phía địa phương, bà Nguyễn Thị Phúc - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tỉnh đang chờ thông tin từ các cơ quan chức năng thẩm định.

Tin cùng chuyên mục