Vụ va chạm tàu ngầm hạt nhân tại Bắc Cực bị giấu kín suốt 40 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào ngày 23-5-1981, một tàu ngầm Liên Xô và một tàu ngầm Anh đã va chạm ở Bắc Cực làm cả 2 hỏng nặng. Ngoại trừ một số lời kể của các thủy thủ có liên quan, vụ việc vẫn được giữ im lặng trong 40 năm qua.
HMS Superb, một tàu ngầm lớp Swiftsure tại Scotland, Vương quốc Anh ngày 20-5-1993

HMS Superb, một tàu ngầm lớp Swiftsure tại Scotland, Vương quốc Anh ngày 20-5-1993

Khoảnh khắc kinh hoàng

Sự cố xảy ra khi tàu ngầm K-211 Petropavlovsk của Liên Xô di chuyển lặng lẽ với tốc độ 9 hải lý/giờ ở độ sâu 45m tại Bắc Cực. Đây là con tàu thuộc lớp Delta III (hay Kalmar) với chiều dài 155m. Dấu hiệu đặc trưng của nó là khoang hình hộp trên xương sống chứa các ống phóng cho 16 tên lửa đạn đạo R-29R (mỗi tên lửa mang 3 đầu đạn hạt nhân độc lập). Nhiệm vụ của K-211 là bí mật thực hiện hành trình nhiều tháng liên tục và chỉ đợi tín hiệu xảy ra chiến tranh hạt nhân để nổi lên tấn công các thành phố của phương Tây hay các cơ sở quân sự cách xa hàng nghìn dặm.

Trong khi đó, các tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân (SSN) của Anh và Mỹ cũng thường xuyên được điều động để theo dõi tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) của Liên Xô rời căn cứ và theo dõi một cách kín đáo. Những chiếc SSN cũng chỉ chờ đợi tín hiệu của chiến tranh, kịch bản của chúng là tấn công bằng ngư lôi vào tàu ngầm của Liên Xô trước khi bị đối phương tung ra vũ khí hủy diệt. Nhận thức được mối đe dọa này, vào lúc 19h30 ngày hôm đó, chỉ huy của K-211 đã cho tàu chạy vòng tròn để hệ thống định vị sóng âm (hệ thống MGK-400 Rubikon lắp ở mũi tàu) tìm kiếm xem có tàu ngầm đối thủ nào nấp trong “điểm mù” của nó hay không. Tuy nhiên, tàu ngầm Liên Xô không thấy điều gì bất thường.

Trong cuốn sách “Sát thủ săn lùng - Câu chuyện chưa kể đầy kịch tính về cơ quan bí mật của Hải quân Hoàng gia”, tác giả Iain Ballentyne đã mô tả những gì đã xảy ra ngay sau đó. Vào lúc 19h51, chiếc SSBN của Liên Xô bất ngờ rung chuyển mạnh khi nó chịu 3 tác động ngắn từ phía dưới, mỗi tác động chỉ kéo dài vài giây. Ngay lập tức ra tàu được đưa đến độ sâu của kính tiềm vọng, thiết bị sóng âm của K-211 phát hiện tiếng ồn của chân vịt trên góc nghiêng 127 độ. Qua phán đoán, đó là một tàu ngầm lạ.

Thiệt hại nặng nhưng vẫn… may mắn

Sau khi nổi lên sát mặt nước để thoát khỏi hiện trường, K-211 quay mạn sang phải, nhưng dấu vết đã bị mất trong vài phút. Chiếc tàu ngầm của Liên Xô bèn nổi hẳn lên mặt nước và phát hiện có thứ gì đó đã cạo lớp vỏ chống dội âm bằng cao su và làm hỏng phần thủy âm phía sau. Hơn nữa, nhiều mảnh kim loại lạ (chắc chắn là từ một tàu ngầm phương Tây) đã găm vào bên phải tàu và thậm chí đã làm thủng phần vây phía sau khiến nó cần phải sửa chữa. Một cuộc điều tra của Liên Xô sau đó đã kết luận, mẫu kim loại nói trên có thể đến từ một tàu ngầm tấn công lớp Sturgeon của Mỹ khi nó đang trồi lên từ phía dưới.

Ngày nay, các tàu ngầm tiếp tục theo dõi nhau dưới đáy đại dương, nghiên cứu những kẻ thù tiềm tàng, từ đó thực hành các kỹ năng mà chúng sẽ sử dụng khi có chiến tranh. Đó là một nhiệm vụ nguy hiểm và chắc chắn các lực lượng hải quân không muốn công chúng biết đến bất kỳ rủi ro nào.

Nhưng phía Liên Xô có thể đã rất quan tâm đến thông tin từ báo chí Anh vào cuối năm đó, rằng tàu ngầm Scepter của Hải quân Hoàng gia đã trở về căn cứ ở Devonport với thiệt hại do va chạm từ “một tảng băng trôi”. Tới 10 năm sau, vào tháng 9-1991, David Forghan - cựu sĩ quan phụ trách vũ khí của tàu Sceptre đã mô tả tình huống rất khác về vụ tai nạn khi được phỏng vấn trên chương trình truyền hình This Week.

Tàu Scepter (hay SS-104) là chiếc thứ 4 trong số 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Swiftsure được hạ thủy vào những năm 1970. Lớp tàu này ngắn hơn những chiếc SSN khác, nhưng lại rộng hơn so với lớp Churchill thuộc thế hệ đầu tiên. Nó được thiết kế với các vây lặn có thể thu vào thay vì đặt cố định trên tháp chỉ huy. Các con tàu này đều sử dụng 1 động cơ đẩy phản lực thay vì 1 chân vịt thông thường, cho phép nó chạy êm hơn, các cơ cấu bên trong được bọc cao su để giảm tiếng ồn.

Tháng 5 năm đó, tàu ngầm Sceptre đã bám theo dấu K-211 vài lần nhờ hệ thống định vị sóng âm Type 2001 với khả năng phát hiện mục tiêu dưới nước trong khoảng cách 40-48km. Nhưng bỗng dưng, nó bị mất dấu khi K-211 thay đổi vị trí để “cắt đuôi”. Hệ quả là, tàu ngầm Anh tiếp tục hành trình, nhưng mũi của nó đã đâm vào đuôi K-211 từ bên dưới. Một trong những chân vịt 5 cánh của tàu ngầm Liên Xô đã chém vào vỏ thân trước của Scepter, xé một đoạn dài 7m ở mũi tàu cũng như mặt trước của tháp chỉ huy.

Thông thường, những thiệt hại như vậy sẽ khiến lò phản ứng của tàu Scepter tự động tắt, nhưng thuyền trưởng đã thực hiện thao tác khẩn cấp để giữ cho chiếc tàu ngầm 5.500 tấn này trong tầm kiểm soát. Các vách ngăn khẩn cấp được đóng lại khi chiếc tàu ngầm bị thương bỏ chạy khỏi khu vực va chạm. Trong cuốn “Độ sâu im lặng” của tác giả James Jinks và Peter Hennesy, thuyền trưởng Michael Cundell kể lại: “Chúng tôi thoát ra nhanh và trốn dưới lớp băng mà không để lại dấu vết”.

Cuối cùng khi nổi lên, tàu ngầm Anh phát hiện ra thiệt hại kinh hoàng như thuyền trưởng Cundell đã mô tả: “Vết rách bắt đầu cách cửa thoát hiểm phía trước chỉ khoảng 8cm. Nếu cửa đó bị va đập hoặc hư hỏng thì nước sẽ tràn vào phần đầu, chúng tôi có thể đã bị đắm”.

Hình ảnh tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Delta III của Liên Xô được Hải quân Mỹ phác thảo năm 1987

Hình ảnh tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Delta III của Liên Xô được Hải quân Mỹ phác thảo năm 1987

Rủi ro không thể công bố

Để che giấu thiệt hại, tàu Scepter mang đầy thương tích trở về căn cứ ở Devonport vào ban đêm. Nó được ngụy trang bằng một tấm vải sơn đen do thủy thủ đoàn phủ lên. Các mảnh vỡ từ chân vịt của tàu ngầm Liên Xô đã đâm xuyên vào thân tàu Scepter khiến Hải quân Hoàng gia phải tung ra câu chuyện va phải “một tảng băng trôi” với giới truyền thông. Sau nhiều tháng sửa chữa, cuối cùng Scepter đã quay lại biển vào mùa thu năm đó, vị chỉ huy mới của con tàu là thuyền trưởng Doug Littlejohns. Ông nhớ lại: “Chiếc tàu ngầm đã bị hỏng và thủy thủ đoàn cũng chịu tác động tâm lý mạnh”. Để xây dựng lại sự tự tin cho họ, ông đã đưa tất cả đi tập lặn sâu, đồng thời diễn tập phản ứng nhanh.

Cả K-211 và Scepter đều phục vụ thêm khoảng 30 năm sau vụ tai nạn. K-211 vẫn là một phần của hạm đội SSBN của Nga cho đến khi nó ngừng hoạt động vào năm 2013. Nhiên liệu hạt nhân của K-211 cuối cùng đã được loại bỏ vào tháng 12-2018 và chuyển đến Bolshoy Kamen để xử lý vào năm 2019. Trong khi đó, Scepter tiếp tục dính vào một số sự cố lớn khác như hỏa hoạn hay vướng vào lưới đánh cá của ngư dân Thụy Điển…

Động cơ đẩy phản lực dính phải các mảnh vỡ từ K-211 khiến nó ồn hơn bình thường khi chạy ở một số chế độ nhất định. Nhưng con tàu vẫn là chiếc hoạt động lâu nhất trong Hải quân Hoàng gia Anh và chỉ chính thức “nghỉ hưu” vào năm 2010. Hiện tại, Scepter được niêm cất lâu dài vì từ năm 2014 Hải quân Hoàng gia không thể chi trả cho việc xử lý nhiên liệu của một tàu ngầm hạt nhân đã ngừng hoạt động.

Theo tác giả Iain Ballentyne, “cho đến nay, Bộ Quốc phòng Anh vẫn không thừa nhận sự thật này”. Trên thực tế, những vụ va chạm như vậy không phải là những sự cố cá biệt. Ngoài những tai nạn thông thường với tàu thương mại, đã có những vụ va chạm đáng sợ khác giữa các tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Chẳng hạn như sự cố liên quan đến tàu ngầm của Hải quân Nga và Mỹ vào đầu những năm 1990, hay vụ va chạm giữa tàu Triomphant của Pháp và HMS Vanguard của Anh vào năm 2009. Ngày nay, các tàu ngầm tiếp tục theo dõi nhau dưới đáy đại dương, nghiên cứu những kẻ thù tiềm tàng, từ đó thực hành các kỹ năng mà chúng sẽ sử dụng khi có chiến tranh. Đó là một nhiệm vụ nguy hiểm và chắc chắn các lực lượng hải quân không muốn công chúng biết đến bất kỳ rủi ro nào.