Vũ trụ ngả nghiêng trong đáy cốc

ANTĐ - Theo một con số thống kê, hiện Việt Nam có khoảng trên 12 triệu đàn ông trong độ tuổi uống rượu, bia (25-54 tuổi), đây là lực lượng lao động chính làm ra của cải vật chất cho xã hội. Dù thu nhập và thể chất người Việt Nam còn thấp nhưng mỗi năm chúng ta đã bơm vào ruột  khoảng 1,4 tỷ lít bia và 380 triệu lít rượu. Trong đó 90% lượng rượu,  thứ dung dịch đã làm con người phấn khích, thăng hoa kia lại là sứ giả của thần chết và bệnh tật bởi không ai có thể kiểm nghiệm, quản lý được chất lượng của nó. Đổi lại sự tuý luý và bệnh tật, tai họa đó là một khoản tiền có thể nuôi sống hàng triệu trẻ em...

Ảnh có tính chất minh họa

Bia rượu... một phần đời

Làm việc tại một công ty cổ phần ở Hà Nội, Quang 34 tuổi, có thu nhập và trình độ trung bình. Anh là một người đàn ông bình thường và vì vậy cũng có một lối sống, với thời gian biểu rất bình thường... Sự bình thường đó giống như hôm nay: Sáng ăn phở, trưa cơm hộp và khoảng 5 giờ chiều thì nhắn tin: Ngồi một chút?”, “Lan Chín hay Quê Mình?”, “ốc om chuối đậu?, “Hình như Lục bựa muốn rửa xe?... hay gọi điện ở Long Biên có một điểm mới bên sông!”, “Tôi được tặng một chai sâu chít..!”, “Vợ lại về quê!..."Thậm chí, Quang chỉ nhắn một dấu chấm hỏi (?) cũng được... Những cuộc hẹn hò với nhiều tín hiệu đầy cám dỗ và dễ thương như vậy được chuyển đến đám bạn nhậu chung thân của Quang. Mỗi nhóm nhậu thường có những bộ mật mã khác nhau. Nhưng thực ra mọi thông điệp đều được dịch ra là: đi nhậu chứ? 

Hôm nay họ đến phố Hoàng Diệu, một quán bia hơi Hà Nội nằm sát khu quân đội. Lạc vào một rừng xe máy, ô tô với những tay phục vụ tới bới hướng dẫn kẻ ra người vào. Âm thanh của thế giới men say rung động cả một góc phố. Trong lòng nhà hàng rộng hàng nghìn mét có hàng nghìn thực khách nói cười, hát, uống, ăn, hút, đi, đứng, chạy, ngồi; tất cả đều hưng phấn và sung mãn. Hàng chục chiếc quạt cánh thép, công suất lớn phun hơi nước mịt mù nhưng mát rượi trên da thịt. Thoăn thoắt những bước chân nhân viên phục vụ và cơ man nào bia với cốc.

Giống mọi bàn và như mọi lần, đám nhậu của Quang ai cũng tươi roi rói, bắt tay, thăm hỏi và âu yếm, ca tụng nhau. Mỗi người được ba cốc thì bắt đầu rôm chuyện: công việc, tiền bạc, vợ con, sức khỏe, bóng đá, thời sự, em út, xe cộ, nhà đất, văn chương nghệ thuật... Liên tục có người rút điện thoại nghe, gọi. Một lúc sau mâm Quang có thêm hai người. Sau những lời khách sáo, họ bắt đầu khích bác, thách đố... Liên tục nâng cốc trăm phần trăm. Đến cốc thứ 5 thì Quang bắt đầu thấy uống thứ dung dịch vàng sủi bọt lạnh buốt kia là cực hình. Nhưng ông anh bên Cầu Giấy cậy sức khỏe tốt cứ liên tục phát động phong trào. Các bàn trong quán thay nhau đứng dậy đồng khởi hô 1-2-3 dô!, hoặc hát vọng cổ, nhạc đỏ. Có tiếng ly, bát đổ vỡ trong lời chửi thề. Đường vào toa lét chen chúc như bến xe, sân ga. Những mẩu thuốc lá hút dở, những câu chuyện chưa nói hết, những lý do dối vợ hay người yêu, những lời gọi “Huệ” (nôn oẹ)... không ngừng diễn ra.

Ở Hà Nội thì một tuần ba bữa, nhưng đi ra khỏi Hà Nội Quang ít nhất cũng mỗi ngày một trận nhậu. Khi về quê thường là đám cưới, giỗ, mừng nhà, mừng thọ, họp họ rượu tràn lan sáng trưa, chiều, tối đêm ngày. Nhưng sợ hơn cả là đi công tác miền núi. 

Những vùng đất cằn khô đến mấy cũng dạt dào, lênh láng rượu. Rượu đựng trong ấm tích, phích nước, ống bương, can lớn, chai nhỏ, trong dạ dày trâu bò, trong săm ô tô... Rượu có mặt ở bất cứ quán xá nào, gia đình nào và không thiếu cả trong công sở dù đó là trường học, bệnh viện UBND hay các cơ quan Đảng địa phương. Rượu được rót ra trong bất cứ cuộc gặp mặt nào. Rượu để uống sáng, trưa, chiều và đêm... và thế là Vũ trụ càn khôn ngả nghiêng trong đáy cốc.

Mỗi tuần, dù không có việc gì quan trọng (lễ, tết, sự kiện lớn, hay tiếp khách) thì Quang cũng có chừng 2-3 cuộc nhậu như thế này. Những người xung quanh anh dù là trí thức, lao động, kinh doanh, công chức, quân đội, công an, giáo viên, bác sĩ, quan chức hay làm nghề tự do và cả thất nghiệp cũng rất nhiều người ký thác một phần đời mình nơi quán nhậu.

Văn hoá nhậu

Người xưa răn: đàn ông thường đánh đắm mình trước sắc đẹp và men say. Tức là không làm chủ được lý trí nữa. Có lẽ vậy mà trước cốc bia, chén rượu họ luôn bộc lộ phần bản năng sâu kín của mình. Họ có thể thăng hoa hoặc phàm tục một cách khó ngờ. Và hình như một nền văn hóa nhậu đã hình thành.

 Tửu nhập ngôn xuất. Rượu  vào khiến ai cũng thấy mình là hiền nhân quân tử, nam nhi, trượng phu, hay thi sĩ, hiền triết. Khi mời nhau họ nói: Nam vô tửu như kỳ vô phong, tửu bất khả ép nhưng ép bất khả từ. Hay kính lão đắc thọ, tiền chủ hậu khách...  Kẻ có chút chữ, thì chơi chữ: Đất say đất cũng lăn quay, trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.?  Rồi thì Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu. Trường giang đoạn thủy, thủy cánh lưu (nâng chén tiêu sầu, càng thêm sầu. Dao chém nước sông lớn, nước càng chảy). Hay rượu say cũng thấy càn khôn hẹp. Thiên hạ thu vào một chén con. Kẻ ngông cuồng thì... sợ (!) nay không uống, khi chết ai người tưới rượu lên mồ? (ý thơ cổ)... Hay mò trăng dưới hồ mà chết (Lý Bạch). Uống hết vò vô cố nhân (không bạn tri âm cũ) thì sang vò ức sấu viên (nhớ con vượn già (vợ)- ý Nguyễn Tuân)...

“Không gian văn hóa nhậu hiện đại thì rượu rót phải Cao Bằng (rót bằng nhau), nâng chén phải Bắc Cạn (cùng cạn hết), không được Qua phà (bỏ lượt). Uống một lúc thì những cụm từ mặc định trong bữa nhậu sẽ tuôn ào ào. Trong uống rượu cũng có muôn nghìn chiêu thức, thủ đoạn. Thực ra phần lớn dân nhậu đều quá đà, uống quá mức mình muốn vì cả nể, sĩ diện hay đua đòi. Khi thấy mệt, một số dùng thủ thuật uống giả như lén đổ đi, đánh tráo nước trắng, nước ngọt, uống thuốc chống say... Khi có bè cánh thì dùng “xa luân chiến” tức là nhiều người thay nhau chuốc rượu một người. Khi khích bác, thách đố thì thi uống cho đến khi một kẻ đổ gục. Uống nhưng cấm đi toa lét, uống không được để long- đen (sót lại trong cốc). Uống cho đối phương phải “lau nhà” (say không đi được mà bò lê dưới sàn nhà). Trong tiệc, nhiều người bốc đồng uống thể hiện sức mạnh. Có bợm nhậu nhấc chai rượu 65 ml ngậm vào miệng, dốc ngược tu đến hết mới bỏ xuống. Có tay uống bia xếp vỏ chai dài bằng cả sải tay. Có kẻ “Chí Phèo” còn thách thức uống không nôn không về. 

“Văn hóa nhậu các vùng đô thị thường có tăng hai như là: đi uống tiếp; vui em út (mát xa, hát Karaoke có tay vịn (tiếp viên nữ), gội đầu hay sát phạt (đánh bài, bi-da ăn tiền). Tất nhiên tăng hai chỉ diễn ra trong điều kiện cho phép (tiền và không bị vợ cản trở). Từ đây những bánh xe loạng choạng, rú rít còi, những cuộc trăng hoa vụng trộm chớp nhoáng, những trận cờ bạc sát phạt cùng vô số căn bệnh dạ dày, gan, thận, tiết niệu, thần kinh... cũng khởi sự từ đây... Bao nhiêu anh hùng quân tử đã tự phá nát sự nghiệp, phẩm giá, danh dự từ chén rượu. Bao nhiêu cán bộ có chức tước, có danh vọng bỗng trở thành tai tiếng vì rượu. Có một thủ đoạn mà cán bộ nào cũng biết, nhưng không phải cán bộ nào cũng tránh được. Để đạt được điều mình muốn, các đối tượng làm ăn đã thao túng những ông cán bộ này bằng rượu và gái. Ban đầu chỉ là một bữa nhậu anh em gặp mặt, nhưng rồi bị chuốc say túy lúy, không làm chủ được mình. Khi “ông anh” đã say mèn thì đương nhiên có ngay em út phục vụ. Mấy ông đã chối từ được. Thế là sập bẫy. Một lần, hai lần, vài lần, thấy chuyện đó là bình thường. Một chân đã nhúng chàm, thì nhúng nốt chân còn lại. Vậy là “há miệng mắc quai”, các đối tượng kia muốn “nhờ” gì mà anh chả “giúp” vì nếu anh không giúp cho mấy thằng em thì kiểu gì vợ anh mà chả biết mấy em út chân dài kia. Càng ngày càng dấn sâu vào con đường phi pháp theo điều khiển của đám cơ hội và vụ lợi kia, không ít ông to vai vế cũng phải vào tù bóc lịch.

Muôn ngả đều về...  quán nhậu

Là dân nhậu ở mức trung bình, nhưng Quang cũng dám chắc đã có mặt ở trên 90% các quán bia rượu ở HN. Số quán bia Quang biết cũng xấp xỉ đơn vị trăm.  Số quán rượu thì nhiều hơn và hầu như cứ hai ba con phố lại có một hay nhiều quán tửu điếm, tửu quán, tửu lầu. Tụ tập đông nhất là khu phố Ngọc Khánh với hàng chục quán rượu. Những quán không chuyên nhậu như phở, bún, cơm bình dân, nem, nộm, kem... và vô vàn quán nước cũng đều có rượu bia. Nếu bấm chuột vào trang Web Services.acomm.com.vn cũng được  một con mẵng sà to lớn vung mình chào bán rượu. Lời chào có cả rượu ngâm rắn hổ chúa, ngâm gấu con. Vào google tìm được cả những diễn đàn chuyên về rượu...

Phong trào rượu gần đây ở Hà Nội nổi lên mạnh nhất là quán rượu dân tộc và mốt vodka Hà Nội. Theo Quang thì thành phố này đang có tới hàng trăm quán rượu dân tộc với vô số những cái tên đầy hương vị quê nhà. Điểm chung là rượu các quán này được tự pha chế từ rượu nấu thủ công ngâm với các loại thuốc Nam, Bắc, động thực vật khác nhau từ rắn, rết, bọ cạp, bìm bịp, gấu, dê bao tử, ngọc dương, ong đất, cá ngựa, tắc kè, sâu chít... đến táo mèo, mơ, cúc... Bên cạnh chúng có hàng nghìn loại rượu mà chủ quán tự đặt tên như: Minh Mạng, Dâm dương hoắc, Tình yêu, Tráng dương, Hạnh hoa, Bạch cúc... không ai có thể nhớ hết được và cũng không biết nó được pha với cái gì và nguồn gốc từ đâu. Trước đây tất cả mọi danh hiệu của các vùng quê rượu ngon phía Bắc như Làng Vân (Bắc Ninh), Shan Lùng (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Kim Sơn (Ninh Bình)... đều được lợi dụng gắn mác trong các quán nhậu. 

Có người tính rằng tất cả các gia đình ở Làng Vân hay Mẫu Sơn có múc nước mà chuyển xuống Hà Nội thì cũng không đủ cho hàng trăm quán rượu ấy bày bán. Thế nhưng đi đâu chủ quán cũng khẳng định rượu lấy tận gốc...  Những quán có không gian rộng thường bày đặt những bình, chum, vò sành sứ lớn, bịt vải điều màu đỏ, dán chữ kiểu thư pháp trông rất bắt mắt. Nhiều quán vùng ngoại vi thì chôn vò dưới đất, cất dấu trong hầm... Tóm lại tất cả đều rất sang trọng, kỳ bí và đáng yêu. Nhưng chất lượng thì không ai dám khẳng định gì ngoài sự quá tải của các bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa về chữa ngộ độc rượu hay những căn bệnh vì rượu. Nói tóm lại tất cả các anh hùng, hào kiệt, thi sĩ, hiền nhân quân tử được dựng nên bởi rượu bia thì đều đang được nó dẫn gần đến nhà thương và nghĩa địa ...

Quang là một người đàn ông bình thường của thời nay. Anh cũng thích uống rượu bia giống như bao nhiêu người đàn ông khác. Có lần, trong một tiệc rượu rất tao nhã, thi vị, thầy giáo của Quang có đọc anh nghe bài Văn răn rượu rất chí lý của vua Trần Thái Tông rằng: “Kẻ thèm say thì đức hạnh kém suy, kẻ uống rượu thì nói năng lầm lỡ. Khí xông nát dạ, vị ngấm hư lòng, rối loạn tinh thần, hôn mê tâm tính. Mẹ cha không nhìn, điều ác luôn phạm. Hoặc điếm chợ huyên thuyên, hay ngõ đường lảo đảo. Chửi trời mắng đất, chê Phật, dèm tăng. Miệng lảm nhảm hát ca, thân lõa lồ nhảy múa... Há riêng kẻ phong lưu nên tránh, ngay cả người thông đạt cần phòng. Biết bao kẻ trên đời rạng rỡ, đều chìm trong chén rượu đảo điên.”