Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường có để lọt người, lọt tội?

ANTĐ - Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai phù hợp với lời khai của nhân chứng và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình điều tra. Hành vi trên của Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đã bị Viện KSND TP Hà Nội cáo buộc phạm vào tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 -BLHS, Nguyễn Mạnh Tường còn bị truy tố thêm tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 Điều 242 - BLHS. Riêng Đào Quang Khánh bị truy tố thêm về tội “Trộm cắp tài sản”, theo khoản 1 Điều 138 - BLHS.

Nội dung vụ án

Nguyễn Mạnh Tường là bác sỹ khoa ngoại (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) mở Thẩm mỹ viện Cát Tường (TMV Cát Tường, ở số 45, đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tường làm giám đốc và trực tiếp làm thẩm mỹ, còn Lê Thị Thúy Mai (SN 1980, ở P105A4, ngõ 29 Lạc Trung, Hai Bà Trưng) làm phó giám đốc. Toàn bộ TMV Cát Tường có 24 nhân viên. Khi hoạt động, TMV Cát Tường chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội, mà chỉ có giấy phép ĐKKD do Phòng Tài chính kế hoạch của quận Hai Bà Trưng cấp và giấy chứng nhận hành nghề cá nhân do Bộ Y tế cấp. Khoảng 9h ngày 18-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến TMV Cát Tường để làm thẩm mỹ hút mỡ bụng, nâng ngực và được hẹn hôm sau làm phẫu thuật. Đúng hẹn, 11h ngày 19-10-2013, chị Huyền đến TMV Cát Tường mang theo chiếc túi xách, bên trong có 2 chiếc điện thoại di động (1 điện thoại iPhone5 và 1 điện thoại Nokia), 500.000đ và một số đồ dùng cá nhân khác. 

Tại TMV Cát Tường, sau khi gây mê, chị Huyền được Tường dùng xilanh loại 50ml cắm vào thành bụng  hút được 11 xilanh mỡ thành bụng rồi bơm 11 xilanh mỡ vào ngực. Khoảng 30 phút sau, thấy chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép nên Tường đã tiêm cho chị Huyền 1 mũi thuốc an thần. Tiêm xong, thấy chị Huyền bình thường nên Tường cùng bạn là Phạm Thị Hường (SN 1982, ở P206 TTH9A, ngõ 74/3 Phương Mai, Đống Đa) đến chùa Quán Sứ - Hà Nội để lễ. Đến khoảng 17h 45 phút thì nhân viên của TMV Cát Tường gọi điện báo cho Tường biết, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Tường chỉ định cho nhân viên tiêm cho chị Huyền 2 ống thuốc trợ tim, 2 ống thuốc chống dị ứng, truyền dịch muối 9% và cho thở ôxy . Sau đó, Tường gọi điện cho anh Nguyễn Quang Thành (là bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai) để cấp cứu chị Huyền nhưng không thấy có kết quả. Chị Huyền đã tử vong. 

Sau đó Tường bảo nhân viên của TMV Cát Tường thay quần áo cho chị Huyền. Hoa và Vân mặc quần áo của chị Huyền như cũ. Đồng thời Tường báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên của TMV Cát Tường biết, khách hàng là chị Huyền đã chết. Sau đó, Tường bảo các nhân viên trong đó có Đào Quang Khánh tháo dỡ, thu dọn đồ đạc nhằm phi tang chứng cứ. Trong khi thu dọn, Đào Quang Khánh đã lục túi lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 là tài sản của chị Huyền.

Khoảng 21h cùng ngày, Tường và Hằng (vợ Tường) cùng các nhân viên Mai, Khánh, Thành, Công ngồi tại tầng 2 của TMV Cát Tường bàn nhau thống nhất đưa xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu Điện rồi gọi người nhà chị Huyền đến nhận xác. Khoảng 23h30’ cùng ngày, Tường đi xe ôtô BKS: 29A - 48881 đến TMV Cát Tường rồi cùng Khánh, Công khiêng xác chị Huyền lên hàng ghế sau xe ôtô để đưa đến Bệnh viện Bưu Điện. Khi đến cổng Bệnh viện Bưu Điện, Mai và Công đi xe máy của Hằng về trước. Tường thấy có nhiều người và xác chị Huyền bị cứng nên Tường sợ không đi vào trong bệnh viện mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường, không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông. Tường đồng ý và quay xe chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền theo sau. Khánh bỏ lại xe máy và túi xách của chị Huyền ở vỉa hè một địa điểm ở Gia Lâm rồi cùng Hằng lên xe ôtô của Tường. Hằng can ngăn Tường không được vứt xác chị Huyền xuống sông nhưng Tường không nghe mà tiếp tục lái xe đi sang quốc lộ 5, lên cầu Thanh Trì qua vị trí có nước (gần cột đèn số 44) thì dừng lại, nâng xác chị Huyền qua lan can (thành cầu) rồi thả xuống sông Hồng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai phù hợp với lời khai của nhân chứng và các tài liệu khác thu thập được trong quá trình điều tra. Hành vi trên của Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đã bị Viện KSND TP Hà Nội cáo buộc phạm vào tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo khoản 2 Điều 246 -BLHS, Nguyễn Mạnh Tường còn bị truy tố thêm tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo khoản 1 Điều 242 - BLHS. Riêng Đào Quang Khánh bị truy tố thêm về tội “Trộm cắp tài sản”, theo khoản 1 Điều 138 - BLHS.

Đối với một số là nhân viên của TMV Cát Tường biết việc Nguyễn Mạnh Tường làm chết chị Huyền và bác sĩ Nguyễn Quang Thành giúp Tường cấp cứu cho chị Huyền, nhưng  không tố cáo với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hành vi trên của các đối tượng này không cấu thành tội nên cơ quan CSĐT không đề cập xử lý. Chị Hằng do có hành động can ngăn Tường nhiều lần cũng không bị truy tố.

Vấn đề cần trao đổi là các bị can đã bị truy tố đúng người đúng tội chưa? Và liệu có để lọt người, lọt tội không?

Ý kiến bạn đọc 

Cần phải truy tố vợ bác sĩ Tường tội không tố giác tội phạm

Cô Hằng vợ bác sĩ Tường là người biết vụ việc đã xảy ra, tham gia các cuộc bàn luận, chứng kiến các hành vi phạm tội nhưng không tố giác với cơ quan chức năng. Nếu Hằng tố giác sẽ ngăn chặn được hành vi phi tang xác chị Huyền, không để hệ lụy nặng nề là đến nay chưa tìm được xác chị Huyền. Lúc đó, hành vi của Tường là làm chết người và hủy chứng cứ, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Vì vậy, dẫu là vợ thủ phạm chính, Hằng cũng phải bị truy tố theo Điều 314 (BLHS): Tội Không tố giác tội phạm.

Nguyễn Thị Lan Anh (Đông Anh - Hà Nội)


Các nhân viên TMV Cát Tường, bác sĩ Thành cũng phải bị truy tố tội không tố giác tội phạm

Các nhân viên TMV Cát Tường  biết Tường làm chết chị Huyền, tham gia phi tang chứng cứ, tham gia chở xác chị Huyền đi tức là biết đã xảy ra một hành vi vi phạm pháp luật nhưng không tố giác với cơ quan chức năng. Bác sĩ Thành, người được gọi đến cấp cứu chị Huyền, cũng là người biết việc chị Huyền bị chết nhưng không tố giác với cơ quan công an. Như vậy, họ biết rõ các hành vi phạm tội đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện nhưng không tố giác. Cần phải truy tố những người này tội không tố giác tội pham.

Anh Văn Trần Nguyễn  (quận 1 - Thành phố Hồ Chí Minh)



Bình luận của luật sư

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người phải thỏa mãn 4 dấu hiệu. Trong đó, khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống). Tội giết người là tội phạm có cấu thành vật chất, hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc. Cho nên, quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của tội giết người với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội giết người cũng là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 3 tháng từ khi vụ án xảy ra, thi thể của nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy. Vì vậy, hậu quả chết người trong vụ án này chưa được xác minh. Pháp luật hình sự có quy định trường hợp suy đoán. Thế nhưng, áp dụng suy đoán chỉ là áp dụng theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo chứ không áp dụng trong trường hợp bất lợi cho bị can bị cáo. Đối chiếu với các quy định này, với những chứng cứ chắc chắn có được, theo tôi truy tố Tường theo các tội danh như Kết luận điều tra là hợp lý. Việc Tường khai ném xác xuống sông là có thật và các bị can cũng đã nhận tội.

Cũng với lý do trên, không thể truy tố Tường theo Điều 99 BLHS: Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được.

Một số nhân viên trung tâm thẩm mỹ tham gia phụ giúp bị can Tường phẫu thuật thẩm mỹ gây nên cái chết của chị Huyền đã có hành vi che giấu và không tố giác tội phạm. Song do bị can Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh phạm tội “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt” nên hành vi của các nhân viên này không cấu thành tội Che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo điều 313 và 314 Bộ luật hình sự. Do vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý. 

Theo điều 314 BLHS, khoản 3 quy định:  Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt. Như vậy theo quy định, chị Hằng, vợ Tường không bị truy tố theo điều 314 là đúng. 

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục