Vụ sát hại 6 người dã man ở Bình Phước: Động cơ vị kỷ thấp hèn

ANTĐ - “Hận tình là nguyên nhân khởi thủy, song mong muốn thỏa mãn nhu cầu về vật chất cũng không loại trừ”, đó là nhận định của PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam về đối tượng đã giết hại 6 người vô cùng dã man ở tỉnh Bình Phước.
Vụ sát hại 6 người dã man ở Bình Phước: Động cơ vị kỷ thấp hèn ảnh 1

- Ông đánh giá thế nào về cách thực hiện hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Hải Dương và đồng phạm?

- PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Trong vụ án này, chủ đích của tội phạm là tước đoạt mạng sống của người khác. Các tình tiết của vụ án cho thấy, trước khi đột nhập nhà ông Lê Văn Mỹ (gia đình nạn nhân), các đối tượng đã sắp đặt sẵn một kế hoạch khá bài bản như: Chọn thời điểm camera không thể ghi hình, chọn thời gian tấn công vào lúc tờ mờ sáng ít người chú ý, mua súng bắn bi, dao nhọn, sim rác điện thoại, găng tay... Có thể nói, đây là vụ thảm sát có chủ tâm, được sắp xếp từ trước. Kẻ thực hiện hành vi hoàn toàn ở thế chủ động.

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến đối tượng có hành vi tàn độc như vậy? Hận tình có phải là nguồn cơn dẫn đến tội ác?

- Hận tình là nguyên nhân khởi thủy. Được biết, đối tượng khai đã tâm sự với người yêu cũ trước khi hạ thủ. Tuy vậy, theo tôi, đó không phải là sự quyến luyến, ăn năn của kẻ thủ ác, mà nó thể hiện lòng thù tức vị kỷ, là sự nhấm nháp “chiến thắng” trước sự van xin, khiếp hãi, đau đớn đến tột cùng của người  tình cũ, là mong muốn nạn nhân phải trả giá cho hành vi “phản bội” của mình. Việc đối tượng giết hết 6 người trong gia đình cũng xuất phát từ mong muốn “giết người diệt khẩu”, loại trừ hậu họa. 

Dù vậy, lý do chính vẫn là động cơ vị kỷ thấp hèn, mong muốn có tiền nhiều song sức lao động bỏ ra không tương thích, là khi “con đường đi tắt” đến sự giàu sang bị cản trở bằng cuộc hôn nhân bất thành với cô con gái nhà giàu của đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích người ta phạm tội. Nhiều thanh thiếu niên tiếp xúc quá nhiều với phim ảnh, trò chơi đồi trụy, bạo lực và bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong đó, khiến khoảng cách giữa “hành động ảo” và hành động phạm tội gần nhau hơn.

- Ông có thể phân tích kỹ hơn về diễn biến tâm lý của đối tượng thực hiện hành vi thủ ác?

- Về khía cạnh tâm lý, đó là thái độ thực hiện tội phạm đến cùng, thể hiện ở thủ đoạn, phương thức tàn nhẫn nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Thứ hai là tâm lý muốn che giấu tội phạm (kẻ phạm tội sử dụng mọi thủ đoạn để không bị phát hiện, kể cả việc giết chết tất cả những người có khả năng nhận diện, phát hiện người phạm tội). Đối với vụ án này, sau khi ra tay đoạt mạng 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ, hôm sau, Nguyễn Hải Dương còn trở lại hiện trường, tỏ ra buồn bã và còn cùng mọi người lo hậu sự cho nạn nhân. Hành động này khá dễ hiểu, vì một phần do hung thủ muốn đến nghe ngóng tình hình xem cơ quan công an đã tiến hành điều tra đến đâu, một phần do nghi phạm từng có quan hệ thân thiết với các nạn nhân nên buộc phải tỏ ra bình thường nếu không muốn bị phát hiện sớm.

- Hung thủ có khai vì bị gia đình nạn nhân chia rẽ yêu đương nên mới hận thù. Theo ông, bài học rút ra ở vụ trọng án này là gì?

- Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả không được chủ quan khi cho người lạ vào ở trong nhà và phải tự trang bị cho mình đầy đủ phương tiện, kỹ năng phòng ngừa tội phạm. Trong trường hợp con em mình có quan hệ yêu đương đối với những đối tượng thiếu lành mạnh, không đàng hoàng, các bậc phụ huynh không nên tỏ ra quá căng thẳng, quyết liệt cấm đoán hay cản trở bằng các biện pháp mạnh mà cần khéo léo, giãn từ từ như tiến hành biện pháp cách ly (cho con đi du học, cho đối tượng chuyển sang vị trí công tác khác, ở địa điểm khác rồi tìm cớ hợp lý để đào thải nhưng phải để cho đối tượng “tâm phục, khẩu phục”), tránh việc có hành vi xúc phạm, nhục mạ, đẩy đối tượng vào bước đường cùng hay đưa mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm…