Vụ sập nhà cổ tại Hà Nội: Dốc toàn lực cứu người, khắc phục hậu quả

ANTĐ -Ngay khi vụ việc xảy ra, các đơn vị của CATP Hà Nội, Cảnh sát PCCC Hà Nội, lực lượng quân đội và các cơ quan chức năng liên quan đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, khẩn trương cứu hộ, cứu nạn.
Vụ sập nhà cổ tại Hà Nội: Dốc toàn lực cứu người, khắc phục hậu quả ảnh 1

Di dời nạn nhân, người dân khỏi khu vực nguy hiểm

Khoảng 12h40 chiều 22-9, những người dân sinh sống gần khu vực ngôi biệt thự cổ ở 107 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hoảng loạn bởi tiếng gạch đá đổ vỡ vụn kèm theo những đám bụi lớn bốc lên cao khi một phần tòa nhà này đổ sập. 

Nhận được thông tin, các lực lượng của CATP Hà Nội gồm CAQ Hoàn Kiếm, Trung đoàn CSCĐ, Phòng CSGT... và Cảnh sát PCCC Hà Nội cùng lực lượng quân đội, y tế đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, khẩn trương tiến hành các biện pháp phân luồng giao thông, cứu hộ, cứu nạn, sơ tán các hộ dân trong vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng bảo vệ tài sản của các hộ dân bị nạn, khẩn trương đưa người bị thương đi cấp cứu, tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân sự cố. 

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng phong tỏa toàn bộ khu vực tòa nhà bị sập cũng như các nút giao thông xung quanh để phục vụ  công tác cứu hộ, cứu nạn. Sau khi sự cố xảy ra gần 1 giờ đồng hồ, 4 nạn nhân bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Thời điểm này, cơ quan chức năng nhận định có ít nhất 2 nạn nhân vẫn đang bị vùi lấp dưới đống đất đá của tòa nhà. 

Vụ sập nhà cổ tại Hà Nội: Dốc toàn lực cứu người, khắc phục hậu quả ảnh 2

2 bệnh nhân được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai

Tại hiện trường, phần sau của tòa biệt thự ở 107 Trần Hưng Đạo đã bị sập hoàn toàn. Đất, đá và gạch vỡ vương vãi khắp nơi. Ở hai bên ngách của tòa biệt thự, các hộ dân sinh sống tại đây cũng đã được lực lượng công an và quân đội khẩn trương đưa ra khỏi hiện trường để đảm bảo an toàn. Ít nhất 3 xe cứu thương và lực lượng y bác sĩ đã được điều tới phối hợp với công an và quân đội, Cảnh sát PCCC tìm kiếm, kịp thời cấp cứu và đưa các nạn nhân đến bệnh viện. 

Cùng lúc, hàng trăm người dân đã tập trung tại ngã ba Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo để theo dõi lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân. Do đó, lực lượng CSGT đã được tăng cường, nhanh chóng phối hợp cùng với Trung đoàn CSCĐ, thiết lập những hàng rào cứng, ngăn cách người dân và khu vực xảy ra sự cố. CSGT đã phân luồng từ xa để hướng dẫn các phương tiện đi hướng khác, đồng thời cảnh báo người dân cũng như giúp lực lượng cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng tiếp cận hiện trường. 

Trực tiếp chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội liên tục yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung lực lượng khẩn trương cứu hộ, cứu nạn. Lãnh đạo CATP Hà Nội cũng đã có mặt tại hiện trường yêu cầu CAQ Hoàn Kiếm, các phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội nhanh chóng di chuyển gạch, đá, các vật dụng trong khu vực tòa nhà bị sập để tìm kiếm các nạn nhân.

Vụ sập nhà cổ tại Hà Nội: Dốc toàn lực cứu người, khắc phục hậu quả ảnh 3

Lực lượng chức năng tiếp cận và chuyển các mảnh vỡ khỏi hiện trường

Tất cả tài sản của các hộ gia đình gần đó cũng như của những người bị nạn đều được  lực lượng liên quan bảo quản, đảm bảo an toàn. Những phần đất đá ở phía trên nhanh chóng được các lực lượng di chuyển ra khỏi khu vực đổ nát. Nhằm tránh những sự cố có thể phát sinh từ điện, nổ khí gas, hệ thống điện ở xung quanh khu vực tòa nhà đã được cắt.

Đến 16h chiều, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, người phụ nữ thứ năm bị vùi lấp trong tòa nhà là bà Lê Thị Hường (SN 1969), quê ở Thường Tín, Hà Nội đã được tìm thấy trong tình trạng chấn thương rất nặng. Ngay sau đó, nạn nhân đã được xe cứu thương đưa thẳng đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong.

Đến 17h, các lực lượng cứu hộ xác định nạn nhân cuối cùng bị vùi lấp ở phía bên phải, phía sau tòa nhà bị sập. Lực lượng quân đội đã đưa máy dò và các thiết bị kỹ thuật vào dò tìm, xác định vị trí người bị nạn. Hàng nghìn người dân cùng nín thở dõi theo từng động thái của lực lượng cứu hộ. Đến 18h, các lực lượng đã đưa được nạn nhân này (là bà Trần Thị Nga, SN 1979) ra ngoài song bà Nga cũng đã tử vong.

Trả lời báo chí tại hiện trường  khu vực tòa nhà bị sập, ông  Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: thời điểm sập một phần tòa nhà vào buổi trưa, mọi người nghỉ làm, đi ra ngoài nhiều nên đã hạn chế được thương vong. Giáp hai bên của ngôi nhà là lối đi liền kề với các hộ dân sinh sống, buôn bán. Khi xảy ra sập nhà theo phương thẳng đứng, một phần gạch vỡ của công trình đã đổ tràn sang 2 bên lối đi, làm bị thương nhiều người và hư hỏng một số tài sản của người dân.

Được biết, tòa nhà được xây dựng từ năm 1905, đã qua sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990, có diện tích mặt bằng 1.164m2, gồm 3 khối, khối thứ hai có diện tích khoảng 300m2. Hiện các cơ quan chức năng của thành phố đang chỉ đạo các lực lượng tổ chức khẩn trương điều tra, nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân vụ việc. 

Hỗ trợ các gia đình gặp nạn
Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: UBND TP đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị chức năng khẩn trương vào các bệnh viện nơi đang điều trị, cấp cứu để thăm hỏi những người gặp nạn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, Sở đã chuẩn bị quỹ nhà 40 căn tại CT1 - Khu đô thị Định Công để bố trí cho các hộ dân nhà 107 Trần Hưng Đạo tạm cư, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hộ dân. UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã hỗ trợ cho gia đình mỗi nạn nhân bị thương số tiền 1,5 triệu đồng, gia đình có người bị thiệt mạng 5 triệu đồng.

Tập trung tối đa cứu chữa người bị thương

Có 8 trường hợp nạn nhân gặp chấn thương nặng trong vụ sập nhà ở 107 Trần Hưng Đạo được đưa vào cấp cứu tại các bệnh viện, trong đó 2 nạn nhân đã tử vong trước khi đến viện gồm: Lê Thị Hường, SN 1969, HKTT: Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội (bị vùi lấp, được cấp cứu và đưa đến bệnh viện lúc 15h ngày 22-9; Trần Thị Nga, SN 1979, HKTT: Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Các nạn nhân bị thương là: Nguyễn Thị Tiêu, SN 1951, HKTT: tầng 1, khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội (bị đa chấn thương, đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai); Tào Thị Hiện, SN 1965, HKTT: Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội (bị thương ở chân, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức); Vũ Thị Thúy Hằng, SN 1978, HKTT: tầng 1, khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội (bị chấn thương sọ não, gẫy xương chậu, đang cấp cứu tại Bệnh Việt Đức); Nguyễn Văn Nức, SN 1971, HKTT: Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội (bị thương ở chân, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức); Trần Thị Nga, khoảng 60 tuổi, HKTT: khu tập thể 107 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội (bị đa chấn thương, mất ý thức, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức); Nguyễn Thị Huyền, SN 1988, HKTT: Tây Hồ, Hà Nội, hiện đang được theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cũng liên quan đến vụ việc này, chiều 22-9, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ sở y tế của thành phố phối hợp với Bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện Trung ương trên địa bàn nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả của vụ việc. Trong đó, cần tăng cường tối đa nguồn lực, thuốc men hỗ trợ cấp cứu, điều trị cho các nạn nhân.