Vụ sản xuất hàng vạn lọ sa tế tôm giả: Ăn cắp công nghệ của anh chồng

ANTĐ - Có thời gian làm cùng anh chồng, Linh nắm được công nghệ, bèn tách ra làm sẽ tế giả, kiếm lời.

Vụ sản xuất hàng vạn lọ sa tế tôm giả: Ăn cắp công nghệ của anh chồng ảnh 1

CAH Sóc Sơn và các đơn vị phối hợp kiểm tra nơi sản xuất sa tế giả của Tấn và Linh

Như ANTĐ đã đưa tin, 14h ngày 16-3, Đội CSKT - CAH Sóc Sơn phối hợp với Đội An ninh vận tải và Bưu chính viễn thông, Phòng An ninh kinh tế CATP và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện Nguyễn Văn Tấn (SN 1987), ở huyện Đông Anh (Hà Nội), chủ cơ sở sản xuất sa tế tư nhân tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn đang điều khiển xe ôtô chở 163 thùng sa tế mang nhãn hiệu “T.P” của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T.P (Công ty T.P). Lái xe kiêm chủ hàng Nguyễn Văn Tấn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. 

Lực lượng chức năng đã xác minh tại Công ty T.P và được biết toàn bộ số sa tế do Tấn vận chuyển không phải do công ty này sản xuất. Trước dấu hiệu số sa tế trên đã bị làm giả tên, thương hiệu và địa chỉ của Công ty T.P, lực lượng chức năng đã tập trung đấu tranh với lái xe Nguyễn Văn Tấn. Theo lời khai của Tấn, đối tượng đang định vận chuyển số hàng trên tới thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để tiêu thụ.

Khám xét khẩn cấp nơi sản xuất sa tế của Tấn ở thôn Dược Hạ, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hơn 500 lọ sa tế tôm thành phẩm loại 75 gram và hàng chục nghìn vỏ lọ, nắp các loại, trên 500 kg nhãn mác, giấy, bao bì in sản phẩm sa tế tôm mang tên Công ty T.P, cùng nhiều máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất sa tế.

Vụ sản xuất hàng vạn lọ sa tế tôm giả: Ăn cắp công nghệ của anh chồng ảnh 2

Dây chuyền sản xuất sa tế giả của Tấn và Linh

Toàn bộ số nguyên liệu được cơ sở của Tấn mua để sản xuất sa tế đều không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Trước những chứng cứ trên, Nguyễn Văn Tấn khai nhận đã cấu kết với Vũ Thị Hoa Linh, ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm sản xuất sa tế giả sản phẩm của Công ty T.P. 

Vũ Thị Hoa Linh là em dâu của anh Nguyễn Văn B (SN 1979), ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Giám đốc Công ty T.P. Do có thời gian cùng sản xuất sa tế tôm với anh B, Linh đã nắm được công nghệ sản xuất loại gia vị này. Linh đầu tư 200 triệu đồng cùng Tấn mua máy móc, nguyên liệu, mở xưởng sản xuất sa tế tôm giả nhãn hiệu của Công ty T.P tại thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược. Sau khi Tấn bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang vận chuyển sa tế giả đi tiêu thụ, Linh bế con nhỏ bỏ trốn.

Ngày 18-3, cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Tấn và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Vũ Thị Hoa Linh, (hiện đang bỏ trốn) về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm”. Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ cơ sở sản xuất sa tế giả của Linh và Tấn mỗi ngày cho ra lò hơn 6.000 sản phẩm.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của Tấn và Linh là khu vực thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh giáp ranh Hà Nội. Hiện vụ việc đang được CAH Sóc Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng của CATP và Chi cục QLTT Hà Nội tiếp tục điều tra và truy bắt đối tượng tổ chức sản xuất sa tế giả để xử lý.