Vụ nữ sinh Ninh Thuận tử vong: Làm giả, sai lệch hồ sơ bệnh án có thể bị phạt tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi nữ sinh Ninh Thuận tử vong do tai nạn giao thông được “minh oan”, điều được nhiều người quan tâm là, nếu có căn cứ cho rằng hồ sơ bệnh án đã bị làm sai lệch thì cá nhân vi phạm bị xử lý ra sao?

Nữ sinh lớp 12 Hồ Hoàng Anh đã thiệt mạng trong vụ va chạm giữa xe máy với ô tô do ông Hoàng Văn Minh điều khiển xảy ra tại đường 16/4, TP Phan Rang - Tháp Chàm vào sáng 28-6.

Theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra, ông Hoàng Văn Minh khi điều khiển ô tô đã vi phạm luật giao thông do sử dụng điện thoại có kết nối Bluetooth với ô tô, còn nữ sinh Hoàng Anh đi đúng làn đường và tốc độ.

Đến thời điểm hiện tại, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cũng đã nhận trách nhiệm về việc sai sót trong kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của Hoàng Anh

Nhìn nhận vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của người phụ trách kỹ thuật kiểm tra nồng độ cồn có sai sót trong lấy mẫu để kiểm tra dẫn đến kết quả không chính xác, ảnh hưởng đến vụ án.

Theo khoản 10 Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, việc không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, vi phạm quyền của người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh…là những hành vi bị nghiêm cấm.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, cá nhân làm giả, làm sai lệch hồ sơ bệnh án có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh Ninh Thuận tử vong

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến nữ sinh Ninh Thuận tử vong

Về xử phạt hành chính, Theo Khoản 5 Điều 38, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án; làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Nếu dủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội giả mạo trong công tác. Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả… thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Về việc tiết lộ kết quả kiểm tra độ cồn của nạn nhân, Luật sư Hồng Vân cho rằng, theo khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, thông tin của bệnh nhân phải được giữ bí mật. Chỉ người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền quyết định cho phép một số nhóm đối tượng tiếp cận đọc hồ sơ, khai thác hồ sơ bệnh án của bệnh nhân như đại diện cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án…

Do đó, việc vợ của người lái xe trong vụ tai nạn có thông tin nồng độ cồn của nữ sinh cho thấy có dấu hiệu làm lộ tình trạng bệnh, thông tin của bệnh nhân. Theo khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người tiết lộ thông tin sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.