Vụ nhà hàng bị “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới ở Điện Biên: Có thể xử lý hình sự?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một nhà hàng ở TP. Điện Biên bị  "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới gây thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Trong thời điểm mùa cưới đang đến gần, sự việc trên đã khiến nhiều đơn vị tổ chức tiệc cưới hoang mang, lo lắng.

Được biết, nhà hàng này đã hỗ trợ hai bên gia đình dựng rạp ngoài đường, chuẩn bị mâm cỗ theo đúng kế hoạch. Do gia đình cô dâu, chú rể là người quen nên nhà hàng không yêu cầu đặt cọc trước, song đến thời điểm tổ chức tiệc theo kế hoạch vẫn không thấy ai đến ăn cỗ. Bất lực, nhà hàng đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, kêu gọi người dân giải cứu 150 mâm cỗ và giảm giá từ 1.5 triệu đồng xuống còn 500.000 đồng/mâm.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc khách hàng đặt cỗ cưới nhưng không thực hiện hợp đồng làm cho chủ nhà hàng lâm vào tình trạng khốn đốn là sự việc hiếm gặp.

Hàng trăm mâm cỗ cưới bị "bỏ bom" khiến nhà hàng khốn đốn

Hàng trăm mâm cỗ cưới bị "bỏ bom" khiến nhà hàng khốn đốn

Do quen biết, tin tưởng với gia đình cô dâu, chú rể nên hai bên đã thỏa thuận miệng mà không xác lập hợp đồng bằng văn bản về việc tổ chức tiệc cưới, cũng không làm thủ tục đặt cọc tiền làm cỗ cưới.

Tuy vậy, theo Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Vì vậy, dù hợp đồng đặt cỗ cưới giữa hai bên chỉ là hợp đồng miệng nhưng vẫn có giá trị pháp lý nên hai bên phải thực hiện đúng nội dung hợp đồng.

Theo đó, nếu bên đặt hàng đã đặt hàng nhưng không thực hiện việc thanh toán và nhận hàng đã đặt thì theo pháp luật dân sự người đặt hàng đó đã vi phạm quy định về nghĩa vụ của hợp đồng - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Trong trường hợp này, bên đặt hàng buộc phải thực hiện việc nhận hàng và thanh toán như đã thỏa thuận, đồng thời chịu thêm chi phí bảo quản và vận chuyển phát sinh nếu có. Nếu bên nhận chậm nhận hàng khiến hàng hóa hư hỏng thì phải chịu các chi phí phát sinh (nếu có).

Về trách nhiệm chậm thanh toán tiền do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, theo Điều 357 BLDS 2015, trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.

Trong trường hợp trên, việc đặt cỗ cưới là quan hệ dân sự thuần tuý, chủ nhà hàng có thể yêu cầu người đặt hàng thanh toán chi phí, thiệt hại từ việc "bỏ bom" cỗ cưới. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nếu có căn cứ chứng minh người đặt cỗ cố tình làm như vậy để gây thiệt hại cho nhà hàng nhận đặt cỗ thì lỗi được xác định là cố ý. Trường hợp lỗi này tác động trực tiếp đến tài sản của chủ nhà hàng khiến tài sản bị hư hỏng hoặc hủy hoại thì mới bị xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy vậy, điều này khó có thể xảy ra.

"Trong thời điểm mùa cưới đang đến gần, để bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế thiệt hại, các bên khi thỏa thuận về việc tổ chức tiệc cưới cần lập thành văn bản với các điều khoản cụ thể về quyền, nghĩa vụ của hai bên, đồng thời tiến hành đặt cọc theo quy định để ràng buộc trách nhiệm, tránh rơi vào hoàn cảnh "dở khóc, dở cười" như nhà hàng nhận đặt cỗ ở Điện Biên" - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.