Vụ máy bay rơi: Đã có 18 chiến sĩ hy sinh

ANTĐ - Cho đến thời điểm sáng ngày 8-7, đã có thêm 2 chiến sĩ hy sinh do vết thương quá nặng.
Bản tin phát thanh ngày 8-7-2014 do Báo An ninh Thủ đô sản xuất


Như tin đã đưa, sáng ngày 7-7, trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916/sư đoàn Không quân 371 đã bị hỏng động cơ, rơi tại thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Trên máy bay bị nạn có 21 người, gồm 3 người trong tổ lái và 18 học viên, giáo viên dạy nhảy dù.
Ngay khi tai nạn xảy ra đã có 16 chiến sĩ hy sinh, những người bị thương ngay lập tức được đưa về cấp cứu tại các bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm sáng ngày 8-7, đã có 18 chiến sĩ hy sinh. 

Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho biết: 2 chiến sĩ bị thương quá nặng đã không cứu được. Đây là tổn thất rất nặng nề. Các bác sĩ đang tìm mọi biện pháp tích cực cứu chữa các chiến sĩ bị thương. 

Vụ máy bay rơi: Đã có 18 chiến sĩ hy sinh ảnh 1
Cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường máy bay rơi


Trung tướng Mai Quang Phấn cũng cho biết, Bộ Quốc phòng đang lên kế hoạch làm lễ truy điệu, an táng cho các chiến sĩ hy sinh, chậm nhất trong tuần này.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tư lệnh Phòng không không quân đã phát đi thông tin tạm ngưng mọi công tác huấn luyện bay. Đồng thời, an toàn và an ninh hàng không ở các đơn vị, cơ quan thuộc quân chủng phòng không không quân đã được nâng lên cấp độ 1 – cấp độ cao nhất trong lĩnh vực hàng không.

Theo thông tin phát đi này, các đơn vị, cơ quan thuộc quân chủng phòng không không quân sẽ tạm ngưng công tác huấn luyện bay. Các cơ quan này chỉ được thực hiện những chuyến bay làm nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng.

Một cơ trưởng của Lữ đoàn Không quân 918 cho hay sau sự cố với máy bay Mi – 171 thì việc tạm ngưng hoạt động huấn luyện bay này là cần thiết. Việc cần làm lúc này là phải tìm ra nguyên nhân chính của vụ tại nạn để rút ra bài học cho toàn quân chủng, tránh những sự cố tương tự.

“Mọi thông tin về sự cố đều ở trong hộp đen máy bay. Cần sớm giải mã hộp đen để tìm ra nguyên nhân”, vị cơ trưởng này nói.
Còn tại biển Đông, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, ngày 7-7, tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, phía Trung Quốc vừa huy động thêm 2 máy bay mới, bay liên tục quanh giàn khoan.

Như vậy, sau nhiều ngày không có sự xuất hiện các máy bay quanh khu vực giàn khoan Hải Dương-981, thì ngày hôm qua, phía Trung Quốc lại huy động máy bay xuất hiện trở lại. Theo đó, phía Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 103-110 tàu các loại; trong đó có 45-47 tàu Hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 12-13 tàu kéo, 29-32 tàu cá các loại và 4 tàu quân sự.
Cung cấp thông tin về diễn biến tại hiện trường thực địa, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn thực hiện nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 10-11 hải lý so với giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.