"Vũ khí" chống nạn tiểu bậy ở Paris

ANTD.VN - Đối với nhiều đô thị trên thế giới, hành vi tiểu tiện trên đường phố thực sự là tai họa khi nó vừa gây ô nhiễm, vừa tiêu tốn hàng triệu đô la để làm sạch cũng như sửa chữa cơ sở hạ tầng công cộng bị tổn hại. Nhưng hiện giờ, Paris đã có một “vũ khí mới” chống lại nạn này.

Đó là một dạng nhà vệ sinh công cộng có kiểu dáng đẹp lại thân thiện với môi trường. Mang chức năng của chiếc bồn tiểu, nhưng nó giống như một chậu hoa hiện đại hơn. Thậm chí người ta có thể trồng hoa trên đó.

"Vũ khí" chống nạn tiểu bậy ở Paris ảnh 1Mô hình bồn Uritrottoir sẽ hóa giải nạn tiểu tiện vô ý thức trên hè phố

 “Người bạn của hoa”

Tòa thị chính Paris mới đây đã đề xuất cử một đội quân gồm 2.000 nhân viên có trang bị dùi cui để ngăn chặn các hành vi gây mất mỹ quan thành phố, từ việc để lại phân chó trên đường tới vứt đầu mẩu thuốc lá. Riêng mức phạt đối với hành vi tiểu tiện nơi công cộng là cao nhất, khoảng 75USD. Tuy vậy, giới chức ở đây cho rằng chế tài mạnh nhằm răn đe là không đủ bởi những công nhân vệ sinh ở Paris hàng ngày vẫn phải quét dọn nhiều khu vực vỉa hè còn đọng lại vết nước tiểu.

Vì thế, bồn Uritrottoir, tên gọi có sự kết hợp của từ “nước tiểu” với “vỉa hè” ra đời đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Uritrottoir là sản phẩm của Faltazi, một công ty thiết kế công nghiệp có trụ sở ở Nantes. Chiếc bồn này được phủ bằng sơn, có khả năng lưu trữ nước tiểu vào lớp đệm bằng rơm, mùn cưa hoặc bào gỗ. Nước tiểu ngấm vào, đồng thời khí carbon sinh ra từ rơm trong quá trình này sẽ hạn chế mùi. Bộ phận phụ trách có thể giám sát từ xa bằng máy tính khi nào thì bồn đầy nước, sau đó phần rơm đệm được đưa lên xe chở đi đến ngoại ô Paris rồi được ủ thành phân bón hữu cơ.

Fabien Esculier, một kỹ sư nổi tiếng, chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, Uritrottoir thân thiện với môi trường sinh thái hơn nhiều so với hàng chục nhà vệ sinh công cộng hiện có của Thủ đô vốn kết nối với hệ thống xử lý nước thải công cộng. “Ưu điểm lớn nhất của nó là không cần sử dụng nước, đồng thời còn có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ”, ông Fabien Esculier nói. Thông thường, một chiếc bồn nhỏ sẽ hấp thụ 300 lượt đi vệ sinh, mô hình lớn hơn có dung tích gấp đôi. 

Hôm 30-1, hai bồn tiểu kiểu này đã được lắp đặt bên ngoài nhà ga xe lửa Paris Gare de Lyon. Ngay sau thông tin trên, tờ Le Figaro của Pháp ca ngợi Uritrottoir là “người bạn của hoa”. Còn đại diện công ty đường sắt quốc gia Pháp - SNCF cho biết, nếu Uritrottoir thử nghiệm hiệu quả, họ sẽ triển khai nhiều sản phẩm này hơn trên khắp Thủ đô Paris. 

Tuy nhiên, tính hiệu quả cần thời gian theo dõi vì thực tế, SNCF đã đầu tư khoảng 9.730USD cho 2 chiếc bồn này, trong khi tiền lương tháng của một nhân viên vệ sinh vào khoảng 865USD.

“Chiến đấu” với nạn tiểu bậy

“Tiểu bậy là vấn đề gây rắc rối lớn ở Pháp. Bên cạnh thứ mùi khủng khiếp, nước tiểu còn gây hư hại cột đèn và trạm điện thoại, làm hư hỏng xe, gây ô nhiễm sông Seine và làm suy yếu chất lượng sống hàng ngày nơi đô thị. Chưa kể nước tẩy rửa còn tổn hại môi trường”, kỹ sư Laurent Lebot, 45 tuổi, tham gia thiết kế Uritrottoir nói. 

Riêng ở Pháp, công dân Pierre Pinoncelli đã bị phạt số tiền phạt kỷ lục là 37.500USD do tiểu bậy. Năm 1993, người này đã “xả thải” vào tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng Marcel Duchamp là chiếc bồn tiểu bằng sứ có tên “Fountain” - được coi là một kiệt tác của nghệ thuật khái niệm - trước khi đập nó bằng một chiếc búa. Năm 2006, ông này tiếp tục bị phạt khoảng 230.000USD sau khi tấn công tác phẩm nghệ thuật đó lần thứ hai.

Không chỉ ở Pháp, nhiều thành phố lớn ở Mỹ cũng “tuyên chiến” với nạn tiểu bậy nơi công cộng. Tại San Francisco, mới đây, một cột đèn đường do bị nước tiểu ăn mòn mà đổ sập, làm bị thương một lái xe. Từ đó, thành phố đã lắp thêm bồn tiểu có trang trí cây xanh. New York gần đây tuy nới lỏng hình phạt với lỗi vi phạm nhỏ như say rượu tiểu bậy, xả rác và gây ồn quá mức nhưng mức phạt sẽ là 350-450USD nếu ai đó phạm tội lần thứ ba trong vòng một năm.