Vũ khí chống hiếp dâm độc đáo ở Ấn Độ

ANTĐ - Trước tình trạng nạn hiếp dâm, tấn công tình dục phụ nữ tràn lan trong nhiều thành phố lớn, những nhà hoạt động nhân quyền ở Ấn Độ đã nghiên cứu, triển khai ứng dụng rất độc đáo mang tên Safecity. Ứng dụng này cho phép phụ nữ chia sẻ câu chuyện của họ trên mạng xã hội, giúp các nhà hoạt động xã hội khoanh vùng điểm nóng và đưa ra giải pháp thích hợp.
Vũ khí chống hiếp dâm độc đáo ở Ấn Độ ảnh 1

Được truyền cảm hứng từ phần mềm của Ai Cập

Elsa D'Silva, một trong những người sáng lập ứng dụng Safecity nói rằng, phụ nữ có thể sử dụng Safecity để báo cáo “ở đâu, vì sao, như thế nào đã xảy ra”. D'Silva bắt đầu hình thành ý tưởng xây dựng ứng dụng chống hiếp dâm trong một chuyến thăm Thụy Điển.

Ở đây, cô đã gặp gỡ những người sáng lập Harass Map - một dự án sử dụng internet và công nghệ di động chống nạn quấy rối tình dục và bạo lực ở Ai Cập. Một thời gian ngắn sau khi trở về quê hương, D'Silva lại chứng kiến vụ sinh viên y khoa 23 tuổi bị hiếp dâm tập thể trên xe bus ngay tại Delhi. Chính vụ hiếp dâm gây chấn động dư luận này khiến D'Silva và một số cộng sự khác quyết định bắt tay xây dựng phần mềm Safecity.

"Đó là thời điểm phải hành động. Tôi đã tự nhủ với bản thân mình rằng: an toàn và an ninh phải được giải quyết ngay lập tức. Tôi bắt đầu nói chuyện với bạn bè và nhận ra rằng, mỗi người trong số họ đều có một câu chuyện cần chia sẻ”, D'Silva nói.

Ban đầu, Safecity chỉ là một diễn đàn trực tuyến cho một số người dùng. Sau đó, ứng dụng này mở rộng đối tượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. “Chúng tôi giới thiệu ứng dụng đến cộng đồng; tổ chức hội thảo về chiến dịch đang tiến hành. Sau đó chúng tôi thu thập thông tin, phân tích tình hình, dự báo xu hướng và đưa ra giải pháp”, D'Silva nói. Theo D'Silva, việc xác định điểm nóng về quấy rối trong thành phố là việc làm vô cùng quan trọng. Sau đó, D'Silva làm việc với các cơ quan chức năng địa phương để tìm giải pháp cho phù hợp với bối cảnh khu phố.

“Ở Delhi, chúng tôi đã xác định một điểm nóng là một quán trà. Nhiều người đàn ông lang thang qua đây và đe dọa phụ nữ. Chúng tôi đã hỏi các cô gái trẻ họ muốn thay đổi điều gì. Rồi chúng tôi bắt tay với một nghệ sĩ địa phương để đặt hàng vẽ bức tranh ngay phía sau quán trà với thông điệp: Hãy nhìn người khác bằng trái tim chứ không phải đôi mắt. Sau khi bức tranh được hoàn thành, tình hình an ninh trong khu vực được cải thiện nhiều”, D'Silva nói.

Cũng nhờ ứng dụng Safecity, Elsa D'Silva và những đồng nghiệp của mình phát hiện ra rằng, nhiều phụ nữ bị lạm dụng tình dục vào buổi sáng hoặc tối muộn khi đi vệ sinh nhưng không có nhà vệ sinh công cộng. "Thực tế thì vẫn có nhà vệ sinh nhưng luôn khóa cửa. Chúng tôi đã tìm đến các cơ quan có liên quan và đề nghị mở cửa, duy trì hoạt động của các nhà vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tuyên truyền cho phụ nữ biết về lợi ích của nhà vệ sinh công cộng", Elsa D'Silva chia sẻ.

Hy vọng công nghệ cao sẽ tạo ra sự thay đổi

D'Silva cho biết, thông qua dữ liệu mà Safecity cung cấp, những nhà hoạt động xã hội sẽ có thể định hướng, tìm kiếm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, một yếu tố cũng rất quan trọng là sự vào cuộc của các cơ quan công quyền. “Các giải pháp có được thực thi hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào các cơ quan Nhà nước. Sự vào cuộc của họ mới giúp chúng tôi giải quyết triệt để những vấn đề đặt ra trong quá trình đấu tranh chống nạn hiếp dâm và quấy rối tình dục”, D'Silva chia sẻ. Safecity hiện là một trong những ứng dụng nhằm giải quyết nạn hiếp dâm, quấy rối tình dục được sử dụng ở nhiều thành phố lớn của Ấn Độ. Giáo sư Carolyn Whitzman tại Đại học Melbourne nhận định rằng, “Phụ nữ ở những thành phố lớn của Ấn Độ đang đi đầu trong việc sử dụng công nghệ cao để tạo ra thay đổi”.

Ngoài Safecity, nhiều phụ nữ Ấn Độ còn sử dụng Safetipin, một ứng dụng tương tự cho phép người dùng gửi báo cáo, tìm kiếm sự trợ giúp khi bị quấy rối hoặc bị đe dọa trong thành phố. Kalpana Viswanath, một trong những người sáng lập của Safetipin cho biết, ứng dụng này cho phép người dùng theo dõi người thân, bạn bè xem họ có được an toàn hay không. Viswanath cho biết, hoạt động của Safetipin được so với Safecity.

Nếu safecity là diễn đàn online, sau đó đưa ra giải pháp thực tế thì Safetipin lại cho phép người dùng hoạt động, giải quyết vấn đề online. Safetipin hiện đã được sử dụng tại hơn 50 thành phố của Ấn Độ, bao gồm Bangalore, Hyderabad, Mumbai, Delhi cũng như thành phố Kathmandu của Nepal. Những người sáng lập của Safetipin hy vọng, ứng dụng sẽ ngày càng phát triển và họ có thể theo dõi sự an toàn của những cô gái ngay cả khi họ di chuyển ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ.

Kalpana Viswanath cho rằng, sự phát triển của các ứng dụng thời công nghệ số sẽ giúp “cải thiện tình hình an ninh trong thành phố và tạo điều kiện để mọi người tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội”. Được biết, không chỉ có Ấn Độ, một số quốc gia khác trên thế giới cũng sử dụng ứng dụng chống nạn hiếp dâm, quấy rối tình dục tại các địa điểm công cộng như ứng dụng “HarassMap” ở Ai Cập, “Safe Streets” ở Yemen” và “Resist Harassment” ở Lebanon…