Vụ "Hồ sơ Panama": Tổng cục Thuế thành lập tiểu ban kiểm tra

ANTĐ - Trước thông tin 189 cá nhân Việt Nam bị nhắc tên trong tài liệu vụ “Hồ sơ Panama” vừa được công bố, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo thành lập tiểu ban kiểm tra.

 Vụ "Hồ sơ Panama": Tổng cục Thuế thành lập tiểu ban kiểm tra ảnh 1Cơ quan thuế quyết định thành lập tiểu ban kiểm tra vụ "Hồ sơ Panama"

Đây là quyết định được cơ quan thuế đưa ra sau buổi họp với các đơn vị liên quan. Theo đại diện Tổng cục Thuế, tiểu ban kiểm tra sẽ bao gồm nhiều cơ quan như Vụ thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan khác. Đây là vấn đề phải rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng và cần thời gian bởi thông tin trước mắt là từ quốc tế.

Liên quan tới sự việc trên, đại diện Cục phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tra soát lại danh sách các đối tượng được công bố trong hồ sơ Panama, sau khi rà soát thông tin sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác để làm rõ.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, việc xuất hiện trong danh sách là có dấu hiệu nghi ngờ, nhưng cụ thể có vi phạm pháp luật hay không vẫn chưa thể kết luận được. Trường hợp giao dịch các cá nhân nằm trong danh sách nếu công khai, minh bạch và được pháp luật cho phép thì được xem là hoàn toàn hợp pháp.

“Đây là việc gần như chưa có tiền lệ, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định cụ thể. Sự việc không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn liên quan đến quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập. Vì vậy, chúng ta buộc phải xem xét kỹ vấn đề. Đầu tiên, có thể yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan báo cáo. Sau đó, sẽ kiểm tra xem trước đây có nghi ngờ gì không, ngoài ra có thể thông qua con đường ngoại giao, cũng như các tổ chức quốc tế để đề nghị cung cấp, trao đổi thông tin để có cơ sở đối chiếu, so sánh”, ông Đức nhấn mạnh.

Trước đó, Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã chính thức công bố dữ liệu “Hồ sơ Panama”, trong đó nêu tên hàng loạt các công ty vỏ bọc, công ty ma được thành lập tại nước ngoài trên toàn thế giới. Để tra cứu dữ liệu mới cập nhật về các công ty vỏ bọc, người dùng có thể truy cập vào trang web https://offshoreleaks.icij.org.

Đối với Việt Nam, dữ liệu vừa công bố cho thấy, có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài (quần đảo British Virgin thuộc Anh). Đồng thời, ICIJ cũng nêu ra danh sách 185 địa chỉ tại Việt Nam và 189 cá nhân có liên quan tới Việt Nam. Trong đó, có nhiều tên người Việt và một số tên người nước ngoài.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội và một số có mục đích hợp pháp. Việc ai đó xuất hiện trong danh sách này cũng không đồng nghĩa với việc những công ty này và các đại diện pháp lý đã có hành vi vi phạm quy định của luật pháp.

Tin cùng chuyên mục