Vụ gian lận điểm thi: Người đứng đầu đừng để dân... phải nhắc mới thấy trách nhiệm

ANTD.VN - Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21-5, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ, vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018 đến nay đã gần một năm trôi qua; kỳ thi năm 2019 đã cận kề  nhưng việc xử lý trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng khiến cử tri bức xúc…

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền trả lời báo chí tại Quốc hội

Theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, trong vụ gian lận điểm thi THPT xảy ra tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, sai phạm ở địa phương thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, phải nhìn nhận đầu tiên.

Thế nhưng hiện nay suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu chưa rõ nét. Do vậy, muốn lấy lại niềm tin của người dân về giáo dục, không chỉ cấp bộ mà còn địa phương cũng phải làm rõ trách nhiệm.

“Nhiều ý kiến cho rằng không chỉ là để minh bạch, công khai mà thậm chí phải xử lý trách nhiệm của những người có liên quan để lấy lại uy tín cho ngành giáo dục, còn nếu tất cả đổ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bằng?” – ĐB Minh Hiền nói.

Phân tích thêm về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ gian lận thi cử vừa qua, nữ ĐBQH đoàn Phú Yên chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri, cử tri và nhân dân không muốn nhắc tới quy trình nữa, vì nói tới quy trình thì không biết kéo dài bao lâu mới xử lý được.

“Đã 9 tháng trôi qua kể từ khi xảy ra vụ gian lận điểm thi, nay đã cận kỳ thi tiếp theo nhưng vụ việc này vẫn chưa rõ ràng. Rất mong cơ quan chức năng trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc này.

Hơn ai hết các đồng chí lãnh đạo gắn trách nhiệm của mình với các sai phạm phải nhận thấy điều đó. Mình ở vị trí, vai trò lãnh đạo, đầu tàu rồi thì đâu cần phải để người dân nhắc” – ĐB Phạm Thị Minh Hiền nói thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như những cán bộ có con em được nâng điểm phải được đặt ra, làm rõ. Phần trách nhiệm nào thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ phải nhận, còn cái gì thuộc chính quyền địa phương thì chỉ ra.

“Những cán bộ dính líu đến gian lận thi cử vừa rồi đều ở địa phương, là những người do địa phương đào tạo, cất nhắc, bổ nhiệm. Trách nhiệm trước hết của chính quyền địa phương chứ không đổ cho Bộ được. Còn Bộ phải có trách nhiệm rà soát xem chỗ nào hở trong quy trình đang bị lợi dụng để bịt lại” – ĐB Nguyễn Bá Sơn phân tích.