Vụ Ethanol Phú Thọ: Trịnh Xuân Thanh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin từ Tòa án Hà Nội cho biết, 7/12 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư xây dựng, xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (gọi tắt là Ethanol Phú Thọ) có đơn kháng cáo.

Các bị cáo kháng cáo trong vụ án này là Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) - nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); Vũ Thanh Hà (SN 1962) - nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB); Phạm Xuân Diệu (SN 1960) - nguyên Tổng giám đốc PVC.

Tiếp đến là Nguyễn Xuân Thủy (SN 1961) - nguyên Phó trưởng phòng Phòng Đầu tư dự án PVB; Khương Anh Tuấn (SN 1975) - nguyên Phó trưởng phòng Phòng Thương mại PVB; Lê Thanh Thái (SN 1960) - nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh PVB; Hoàng Đình Tâm (SN 1981) - nguyên Kế toán trưởng PVB. Bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960), nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không kháng cáo.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh

Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Cả 6 bị cáo còn lại đều xin Tòa cấp phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, 3 bị cáo là Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Thủy còn kháng cáo xin giảm khung hình phạt tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, từ khoản 3 xuống khoản 1, Điều 224 – BLHS. Bị cáo Lê Thanh Thái xin được hưởng án treo.

Trong đơn kháng cáo, hầu hết các bị cáo đều đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ của mình như: phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo và hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, có thái độ ăn năn hối cải, nhận thức rõ sai phạm của mình…

Các bị cáo có kháng cáo cũng mong muốn TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, xem xét điều kiện nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin về dự án… Từ đó, các bị cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm cân nhắc cho các bị cáo được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, giảm khung điều khoản tội danh áp dụng và miễn trách nhiệm dân sự.

Ngoài 7 bị cáo kháng cáo, Công ty TNHH Đầu tư Mai Phương (gọi tắt là Công ty Mai Phương) kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét trả lại 3.400 m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho doanh nghiệp này.

Trước đó, trong các ngày từ 8 đến 15-3, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo trong vụ án này. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.

Cùng bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với bị cáo Đinh La Thăng còn có 9 bị cáo là Vũ Thanh Hà bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù; Trần Thị Bình (SN 1958) - nguyên Phó tổng giám đốc PVN bị tuyên phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Kế đến là Phạm Xuân Diệu bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1958) - nguyên Phó tổng giám đốc PVC bị áp dụng 3 năm tù; Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm cùng bị xử phạt 30 tháng tù; Đỗ Văn Quang (SN 1972) - nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch PVC bị phạt 28 tháng tù; Lê Thanh Thái bị xử phạt 24 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù. Và tổng hợp hình phạt với các bản án trước đó là tù chung thân.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng (SN 1967) - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Đỗ Văn Hồng là 17 năm tù.