Vụ cô giáo bị tố yêu nam sinh lớp 8: Cô khẳng định mình trong sạch

ANTĐ -Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc cô N., giáo viên dạy toán của Trường THCS H (quận 6, TP.HCM), và em A., học sinh lớp 8 của trường, có những tin nhắn trong điện thoại và Facebook với nội dung yêu đương thắm thiết. Không ít phụ huynh “phẫn nộ” lên án cô giáo vi phạm vấn đề đạo đức, làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý học sinh.

Những tin nhắn mùi mẫn giữa 2 cô trò

Theo đơn thư phản ánh của một số phụ huynh tại Trường THCS H (quận 6, TP.HCM): “Thời gian gần đây, chúng tôi được biết sự việc giữa cô N. và em A. có tình cảm yêu đương với nhau. Tình cảm cô – trò giờ rất thắm thiết. Chúng tôi nghĩ đó là tin đồn, vì không bao giờ dám nghĩ cô N. lại đi yêu một học sinh lớp 8. Ban đầu chỉ nghĩ là tình cảm đơn phương của em A., vì chuyện học sinh quý mến, ngưỡng mộ thầy cô và lầm tưởng đó là tình yêu bình thường môt phía. Nhưng nếu một giáo viên có hiểu biết pháp luật và đạo đức sẽ từ chối tình cảm này và định hướng cho học sinh đi theo con đường đúng. Nhưng cô N. đã không làm vậy…”.

Một đoạn tin nhắn giữa cô giáo và học sinh.

Theo các vị phụ huynh đứng ra gửi đơn, thì cô giáo N. và em A. còn hẹn hò đi chơi, xem phim, đi ăn. Cô N. chở em A., hai người ôm nhau tình tứ để phụ huynh lớp khác bắt gặp…

Những hình ảnh chụp lại tin nhắn trong điện thoại và Facebook được cho là của em A. và cô N. có nội dung như: “Em ước gì tối nay mình bên nhau, sợ sau này thương A. quá không bỏ được mà không thể đến được, chỉ có việc đi chơi thôi A. còn chưa để tui an tâm nói chi đến việc bảo vệ, ngủ ngon nhé my love...”.

A. cũng có những tin nhắn trả lời như: “yêu mà cũng sợ, đã yêu thì mình bất chấp, tuổi tác mình bước qua được mà, đừng sợ, A. luôn bên cô. Người ta nói gì A. sẽ bảo vệ cô….”.

Cô giáo khẳng định đó là tình cảm đơn phương

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD- ĐT quận 6 cho biết, sau khi nắm được sự việc đã liên hệ với trường để mời cô giáo N. lên tìm hiểu sự việc. Tại buổi làm việc cô N. cho biết tình cảm chỉ là phía đơn phương của em A., cô N. chỉ hướng dẫn em A. học tập như các học sinh khác. Khi nhận ra học sinh có tình cảm với mình, cô chấm dứt liên lạc với A. Cô N. cũng chia sẻ với gia đình A. là giúp em này đi đúng hướng.

Cô N. khẳng định hoàn toàn trong sáng nên không việc gì phải xấu hổ. Dù có những lời khuyên chuyển trường ổn định tư tưởng và dư luận nhưng cô N. sẽ ở lại trường để chứng minh sự trong sạch.

Ông Uyên cho biết thêm, cô N. cũng cho xem những tin nhắn của hai người nhưng không nghiêm trọng như những tin nhắn phía trên. “Vì thấy chưa đủ cơ sở để kỷ luật nên phòng GD-ĐT chỉ yêu cầu cô để ý lại hành vi, tác phong, không để học sinh hiểu nhầm, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm. Tuy nhiên, nội dung như những tin nhắn đăng tải trên báo chí thì không thể chấp nhận được, dù bản thân cô N. là độc thân, nhưng em A. mới chỉ có 14 tuổi”.

Giáo viên nên đưa tình cảm về đúng quỹ đạo cô - trò

Những tin nhắn chứa chan tình cảm của hai cô trò khiến không ít phụ huynh giật mình, phẫn nộ. Nhiều phụ huynh cho rằng, sự việc này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy, là trái đạo đức và ảnh hưởng đến tâm sinh lý sau này của nam sinh.

Chuyên gia tâm lý, thạc sỹ Ngô Thị Thanh Mai (trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: Chuyện nam sinh 14-15 tuổi có tình cảm với một người lớn hơn mình nhiều tuổi có thể xảy ra. Đây cũng là chuyện bình thường bởi ở lứa tuổi này, tâm sinh lý thay đổi, các em thường có cảm xúc với người khác giới.

Giáo viên nên khéo léo xử lý tình huống theo hướng tích cực hơn.

“Bản thân tôi từng đi giảng dạy, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho nhiều trường THCS và tôi cũng nhận được không ít tình cảm của các nam sinh ở lứa tuổi này. Tuy nhiên, đây những cảm xúc của các em ở sự ngưỡng mộ, si mê chứ không hẳn là tình yêu”.

Nhà báo Bùi Ngà, báo điện tử VNMedia chia sẻ: “Trong trường hợp này cô giáo đã nhẹ nhàng từ chối khi nhận ra tình cảm của học trò là hành động đúng. Học trò mới lớn thường làm theo cảm xúc nên cần phải phân tích, khuyên bảo dần dần, nếu từ chối thẳng sẽ dễ dẫn tới tiêu cực”.

Việc nam sinh có tình cảm với cô giáo và nhắn những lời lẽ yêu đương với cô không phải chuyện bất thường. Tuy nhiên, cô giáo phải là người “định hướng” mối quan hệ này đi đúng quỹ đạo cô – trò, không nên để tình cảm của mình “hòa” cùng cảm xúc của cậu bé chưa biết định hình về tình cảm. Có thể cô giáo không từ chối thẳng thừng tình cảm của nam sinh để tránh gây tổn thương cho trò nhưng cô giáo phải khéo léo xử lý tình huống theo hướng tích cực.

Khi cô trò có chuyện tình cảm yêu đương, dư luận sẽ đánh giá cô giáo chứ không đánh giá học trò. Chính vì vậy, khi bắt đầu một mối quan hệ tình cảm, nhất là trong môi trường học đường, người giáo viên phải hết sức cẩn trọng.