Vụ chủ quán nướng ép khách quỳ: Nếu nạn nhân rút đơn, vụ việc có bị đình chỉ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ việc chủ quán nướng ở Bắc Ninh bắt khách quỳ, nhiều bạn đọc gọi điện thoại đến 'Đường dây nóng' Báo ANTĐ đặt câu hỏi: “Nếu gia đình chủ quán đạt được thương lượng, thỏa thuận với nạn nhân về việc xin lỗi, bồi thường, nạn nhân có đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự chủ quán thì vụ việc có bị đình chỉ”?

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, liên quan đến vụ chủ quán 'Nhắng nướng Hiền Thiện' ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đe dọa, chửi bới, bắt khách hàng quỳ gối rồi livestream lên mạng xã hội, Cơ quan CSĐT Công an TP Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thiện (SN 1973, chủ quán nướng 'Hiền Thiện', ở đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh) để điều tra, làm rõ về hành vi 'Làm nhục người khác'.

Về vụ việc trên, trả lời câu hỏi của bạn đọc 'Nếu nạn nhân có đơn đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự chủ quán thì vụ việc có bị đình chỉ', Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Điều 155 Bộ luật TTHS 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Chủ quán nướng ở Bắc Ninh bắt khách quỳ gối (ảnh cắt từ clip)

Chủ quán nướng ở Bắc Ninh bắt khách quỳ gối (ảnh cắt từ clip)

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố, rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Nếu bị hại, hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Đối chiếu quy định trên, Khoản 1, tội 'Làm nhục người khác' (Điều 155 BLHS 2015) là loại tội được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Nghĩa là để khởi tố được vụ án thì cần thiết phải có 'Đơn yêu cầu' của người bị hại, do nhân phẩm danh dự uy tín thuộc về cá nhân. Khi họ cảm thấy danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại, sẽ yêu cầu pháp luật bảo vệ, còn nếu họ không yêu cầu thì không có căn cứ để giải quyết vụ việc.

Nếu Cơ quan điều tra khởi tố chủ quán nướng về tội 'Làm nhục người khác', theo Khoản 1 Điều 155, thì người bị hại có quyền rút đơn trong quá trình tiến hành tố tụng. Khi đó, vụ án phải được đình chỉ.

Song theo Luật sư Hồng Vân, trong vụ án liên quan đến chủ quán nướng ở Bắc Ninh, hành vi phạm tội của chủ quán có dấu hiệu cấu thành tội 'Làm nhục người khác', theo điểm e, khoản 2 - Điều 155 BLHS 2015 là 'Sử dụng mạng máy tính, hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội'. Bởi sự việc đã được livestream trên mạng xã hội, có nhiều người vào xem, bình luận. Do đó, nếu đối tượng vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều này, dù bị hại rút đơn, vụ án vẫn không bị đình chỉ.

Song để xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ vai trò của từng cá nhân trong vụ việc trên.