Vụ chồng đâm chết người khi giải cứu vợ: Phòng vệ chính đáng hay giết người?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Về vụ người đàn ông đâm chết một người khi thấy một nhóm đối tượng bắt giữ cô gái được cho là vợ anh ta tại Vĩnh Long mới đây, CQĐT-CAT Vĩnh Long hiện đã tạm giữ người này để điều tra làm rõ vụ việc.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều người đặt câu hỏi: “Hành vi đâm chết người của người đàn ông có phải hành vi giết người hay được xem là phòng vệ chính đáng”?

Có phải hành vi phòng vệ chính đáng?

Theo thông tin ban đầu, trưa 15/11, một nhóm người đi trên xe 7 chỗ dừng trước quán cà phê thuộc xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long rồi vào bên trong khống chế, bắt giữ nữ chủ quán tên V.T.H (29 tuổi) để đưa lên xe tẩu thoát. Lúc này, anh Trần Ngoại Giao ở phía sau vườn nghe tiếng H la hét nên lao ra giải cứu.

Bị nhóm đối tượng chống trả bằng cách xịt hơi cay vào mặt nên anh Giao cầm chĩa sắt dài 1,3 m đâm về phía đối phương khiến N.M.T tử vong tại chỗ và một người khác bị thương. Sau đó, anh Giao đến cơ quan công an đầu thú .

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, để xác định cụ thể, chính xác mức hình phạt đối với người đàn ông trong vụ việc trên cần căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra, làm rõ diễn biến hành vi của các bên, đặc biệt là việc sử dụng vũ lực, mức độ đe dọa uy hiếp, gây nguy hiểm cho nhau của hai bên…xem có phải là phòng vệ chính đáng hay không.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Nếu kết quả xác minh cho thấy nhóm đối tượng đến bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của cô gái, người đàn ông đã yêu cầu thả người song những đối tượng này không những không thả mà lại còn sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ tấn công lại người đàn ông này thì pháp luật cho phép anh ta có quyền phòng vệ, tự vệ.

Song hành vi sử dụng vũ lực phải đáp ứng những điều kiện như bản thân mình hoặc người khác đang bị tấn công, việc sử dụng vũ lực nhằm mục đích tự vệ, tránh thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân. Sử dụng vũ lực ở mức độ cần thiết, nhằm tự vệ thì mới là phòng vệ “chính đáng”.

Khoản 1 Điều 22 BLHS 2015 quy định, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Để biết một hành vi phòng vệ có được coi là chính đáng hay không cần phải xét trên các yếu tố: Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội; Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.

Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại; Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

...hay giết người do bị kích động mạnh?

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, để xác định hành vi “chống trả lại” có cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì cần làm rõ tương quan lực lượng giữa hai bên, làm rõ vũ khí, công cụ mà hai bên sử dụng, hành vi và động cơ mục đích của hành vi...

Nếu người đàn ông được phép sử dụng vũ lực nhưng đã chống trả quá mức cần thiết thì có thể bị coi là “giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc hoặc “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.

Điều 125 BLHS 2015 nêu rõ, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn theo Điều 126 BLHS 2015, người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.