Vụ cháy tháp EVN: Bằng mọi cách tìm kiếm sự sống

ANTĐ - Từ 27 nạn nhân được đưa vào BV Xanh Pôn cấp cứu ngay sau khi vụ cháy tòa nhà EVN xảy ra chiều 15, đến trưa 16-12, 16 bệnh nhân nhẹ đã được cho xuất viện, 11 người còn lại vẫn phải theo dõi điều trị.

Bác sĩ kiểm tra hồ sơ bệnh án các nạn nhân vụ cháy

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - BV Xanh Pôn cho biết, các nạn nhân được đưa vào BV Xanh Pôn trong tình trạng say khói, ngạt khói, 25 bệnh nhân được chuyển lên khoa Bỏng, có 2 trường hợp bị thêm chấn thương xương nên nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu. May mắn là trong số 27 bệnh nhân vào viện không có trường hợp nguy kịch.

Sáng 16-12, sau khi thăm khám lại, những bệnh nhân nhẹ được cho xuất viện, 11 người có biểu hiện bỏng hô hấp như nói khàn, ho nhiều, nhức đầu, rát họng… được tiếp tục giữ lại theo dõi. Nhìn chung tất cả đều khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên theo bác sĩ Thống, các trường hợp bỏng hô hấp thường tiến triển chậm nên không thể chủ quan, thường phải qua ít nhất 5 ngày mới tiên lượng, khẳng định được họ có nguy kịch hay không. Đơn cử như trong số các bệnh nhân đang phải tiếp tục nằm theo dõi, một số bệnh nhân tưởng đã khỏe mạnh hoàn toàn xin xuất viện nhưng khi ra đến cửa lại choáng, đi loạng choạng.

Trò chuyện với các nạn nhân được cứu sau vụ cháy kinh hoàng ở cao ốc EVN, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện ly kỳ trong nỗ lực tìm kiếm sự sống của các nạn nhân giữa giây phút “dầu sôi lửa bỏng”. Anh Đào Trọng Tiếp, 30 tuổi, ở Mỹ Đức (Hà Nội) kể lại, lúc đó anh đang lắp đặt dây điện ở tầng 30 thì nghe tiếng nổ rồi thấy khói từ dưới bốc lên ngùn ngụt, cả gian phòng tối om, đen kịt. Anh và mấy công nhân khác vội bỏ chạy xuống theo đường thang bộ nhưng được vài tầng thì gặp nhiều người khác đang vội vã chạy lên. Vậy là tất cả chạy lên tầng áp mái (tầng 34), những tưởng lên cao nhất sẽ an toàn hơn nhưng không ngờ căn phòng càng lúc càng ngột ngạt như một lò hun khói.

“Có 18 người chen chúc trên tầng áp mái, mọi người dùng điện thoại gọi cho cán bộ cầu cứu, người thì gọi cho người thân thông báo tình hình. Lúc đó khoảng gần 17h, đợi mãi đến gần 19h vẫn chưa thấy lực lượng nào lên tiếp cứu, trong khi khói ngày càng ngột ngạt. Gian phòng không có nước, để phòng bị chết do ngạt khói, mỗi người một cách, có người đái ra khẩu trang, người thì nhổ nước bọt ra khẩu trang để bịt mũi. Nhiều người khóc, có người tỏ ra tuyệt vọng đã nghĩ đến chuyện nhảy xuống tự tử vì… đằng nào cũng chết. Cuối cùng đến 19h30, các nạn nhân trên tầng áp mái mới lần lượt được đưa xuống đất an toàn, tất cả đều lập tức được đưa vào viện cấp cứu” - anh Tiếp kể về vụ cháy kinh hoàng mà mình và mọi người vừa trải qua.

Làm việc ngay ở tầng hầm, 2 bố con anh thợ sơn Nguyễn Văn Lương (49 tuổi, ở Thanh Hóa) bị ngạt khói nặng, mặt mũi tay chân xám đen, từ khi vào BV đã rửa vài lần bằng xà phòng mà vẫn không sạch, ho rát liên hồi. Anh Lương kể, khoảng 16h30, anh nghe mọi người hô “chạy đi” nhưng chưa kịp hiểu chuyện gì, rồi nghe tiếp những tiếng nổ và khói tràn xuống tầng hầm. Anh vội vàng chạy theo đường ô tô xuống gara tầng hầm, chợt nhớ còn đứa con (17 tuổi, cũng vừa vào làm ở đây vài ngày) nên quay lại kéo nhau cùng chạy. Lẽ ra chỉ cần chạy đến tầng 2 (vì có 3 tầng hầm) là sẽ thấy lối ra nhưng do trời tối om, lại đang hoảng loạn lên 2 bố con chạy thục mạng lên đến tầng 4 mà vẫn không thấy cửa ra đâu. Rồi họ gặp nhiều người cũng đang chạy xuống nên lại cùng chạy xuống và thoát thân được. Đến giờ, anh Lương vẫn chưa hoàn hồn: “Có 2 tầng cầu thang thôi mà luẩn quẩn thế nào mất đến hơn 30 phút bố con tôi mới thoát ra được. Lúc đó khói bao trùm, cứ hít vào là rát hết cổ họng, ngộp thở tưởng không sống được…”.

Từ khi các nạn nhân được chuyển vào BV, đại diện Ban quản lý tòa nhà và các công ty quản lý lao động làm việc trong tòa nhà đã liên tục đến thăm hỏi. Các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị các bệnh nhân này có thể sẽ do phía Bảo hiểm xã hội chi trả.