Vụ cháu giết chú ruột - nỗi đau từ "chất cay cay"

ANTĐ - Mâu thuẫn âm ỉ, dồn nén đã bùng cháy vào buổi tối định mệnh ấy (tối 5-1)...

Trong lúc nóng giận, thiếu kiềm chế Nguyễn Ngọc Cương (SN 1985, trú tại thôn Kim Xuyên, xã Tây Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), một thanh niên vốn hiền lành tốt bụng đã trở thành kẻ thủ ác… Cùng lúc mất đi hai người thân yêu nhất trong gia đình, nỗi đau ấy dường như quá sức chịu đựng đối với những người thân trong gia đình Cương.

Chúng tôi về Kim Xuyên, Tây Kỳ tìm gặp mẹ của Nguyễn Ngọc Cương vào một ngày mưa phùn rả rích. Căn nhà cấp 4 từng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình Cương nằm trơ trọi trên mảnh vườn rộng, gió đông thổi hun hút vốn tiêu điều vì thiếu bàn tay của người đàn ông trụ cột trong gia đình, giờ càng thêm xơ xác... Trong căn nhà trống trải, cụ Nguyễn Thị Sen, bà nội của Cương và mẹ đẻ Cương là bà Nguyễn Thị Pha ngồi thẫn thờ. Cái lạnh tê tái ở bên ngoài dường như chẳng thấm được với sự tái tê trong lòng của 2 người mẹ ấy. Cụ Sen giờ đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt mờ đục đã cạn nước mắt để khóc con trai là Nguyễn Đắc Hóa (SN 1967) đã vĩnh viễn ra đi. Và thật đau xót khi người gây ra vụ án mạng đau lòng đó lại là đứa cháu đích tôn mà cụ Sen hết mực thương yêu... Mỗi người phụ nữ ấy là một suy nghĩ nhưng đều có chung sự đau đớn, khắc khoải khôn nguôi.

Tiếng khóc của cháu nội (con trai Cương là Nguyễn Ngọc Phi Anh) kéo bà Pha trở lại với thực tại. Ôm cháu vào lòng, bà Pha vỗ về mà nghe cõi lòng tê tái. “Tội nghiệp thằng bé, mấy ngày qua cứ khóc ngằn ngặt đòi bố”, bà Pha giãi bày nước mắt chứa chan. Từ ngày Cương bị bắt về hành vi giết người, con dâu bà Pha sức khỏe vốn đã yếu cũng đổ bệnh. Mọi công việc của gia đình vì thế đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của cô con gái lớn của bà, hiện đang là hiệu trưởng của một trường mầm non trên địa bàn xã.

Vụ cháu giết chú ruột - nỗi đau từ "chất cay cay" ảnh 1
Cơ quan điều tra xét hỏi đối tượng Nguyễn Ngọc Cương.

- Khi vụ án xảy ra, bà có nghĩ Cương là kẻ thủ ác không?

- Bình thường, Cương là người hiền lành, nghe lời mẹ. Thế nên, khi chú Hóa mất tôi không nghĩ là cháu đâu. Cương chưa bao giờ đánh nhau với ai ở trong làng. Thậm chí nó còn sợ đi ra ngoài vào buổi tối. Đợt trước, ông ngoại bị ốm, cháu sợ đêm tối còn không dám đi ra ngoài, bà Pha mếu máo kể lại.

- Theo bà nguyên nhân nào dẫn đến việc Cương có hành động sai lầm như vậy?

- Ngưng một lát, bà Pha bộc bạch: Chắc tại cháu quá bức xúc thôi. Bình thường, chú Hóa rất vui vẻ nhưng khi rượu vào thì chú ấy thường gây rối. Trước đó, hai chú cháu đã có lần xô xát với nhau. Tôi vẫn bảo con trai tôi là chú ấy thần kinh và vẫn là chú của con. Con chấp với chú ấy làm gì... Có lần, tôi về nhà thấy bát hương để ở giữa nhà… Thì ra là chú Hóa lên nhà tôi dỡ xuống. Tôi nhìn lên bàn thờ không thấy ảnh của chồng tôi đâu. Tôi hỏi chú ấy thì chú ấy bảo con dâu không được thờ tổ tiên...

Rồi bà Pha ngậm ngùi: Tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ xảy ra cơ sự như thế này. Bình thường, cháu vẫn gọi chú Hóa vào ăn cơm. Có lúc tiện bữa, chú ấy vào nhà, Cương còn đi lấy bát đũa mời chú ăn cơm. Có khi, còn ít cơm quá Cương cũng bảo để phần cho chú ăn... Vậy mà!.

Ngoài hai mươi tuổi, bà Pha lấy chồng rồi liên tiếp sinh 4 người con. Chồng bà Pha (anh ruột của ông Nguyễn Đắc Hóa, nạn nhân của vụ án) là một quân nhân xuất ngũ. Cuộc sống của hai vợ chồng chỉ trông chờ vào đồng lương công chức eo hẹp của bà Pha và sự vất vả của chồng nên vô cùng túng bấn. Cách đây vài năm, chồng qua đời vì bạo bệnh, để lại cho bà Pha 4 đứa con nhỏ dại đang tuổi ăn tuổi học. Cương là con thứ 2 đồng thời cũng là con trai duy nhất của bà Pha vốn là người hiền lành, ít nói. Sau khi học hết phổ thông, Cương ra Bắc vào Nam làm ăn rồi mới lấy vợ cách đây vài năm...

Chồng mất sớm, bà Pha tần tảo nuôi các con rồi dựng vợ, gả chồng và phụng dưỡng thêm bà mẹ chồng năm nay đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy. Các con gái lớn rồi cũng lập gia đình và lấy chồng. Bà Pha cũng như nhiều người phụ nữ ở nông thôn chỉ trông chờ vào cậu con trai trưởng. Mọi hy vọng của bà đều dồn vào Cương. Vậy nhưng cuộc sống của bà và gia đình vẫn không thể yên ổn bởi sự càn quấy của người em chồng, vốn là một kẻ nghiện rượu...

Bà Pha nhớ lại: Khoảng hơn 6 giờ ngày 6-1, tôi vẫn thấy Cương bế thằng cu ở trong nhà. Khi đó, tôi bảo Cương ra trông con để tôi lên trường học. Tôi ra chợ về nhà thì thấy cụ tôi và Cương vẫn đang ở nhà. Cương bảo rằng còn nhiều thức ăn nên tôi bảo Cường là nếu đi xát gạo thì bỏ vào đây xát cả thể... Khi tôi đang đổ trấu thì nghe thấy tiếng bà nội Cương kêu ầm lên. Tôi tay thì bế đứa bé, tay xách đứa lớn con của Cương vội chạy sang nhà chú Hóa. Khi đến giữa nhà chú Hóa, tôi nhìn thấy máu sợ quá nên lại chạy ra...

- Từ hôm Cương bị bắt, cô đã gặp con trai chưa?

- Tôi gặp Cương khi được cơ quan điều tra mời lên làm tường trình về các mâu thuẫn trước đó. Găp tôi, Cương bảo: Mẹ ơi con quá uất. Con trót dại, mẹ nuôi con hộ con...

Trong căn nhà ấy, mỗi ngày những người đàn bà “chân yếu tay mềm” đang dựa vào nhau để sống, gắng gượng vượt qua nỗi đau chẳng thể diễn tả bằng lời.

Trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, Cương cũng đang sống trong tâm trạng giằng xé khôn nguôi. Gặp chúng tôi, Cương không giấu được tâm sự từ đáy lòng mình: “Suốt những tuần qua, em chẳng thể chợp mắt. Em có lỗi với bà nội và với mẹ đẻ của em. Chỉ vì em bồng bột, thiếu kiềm chế mà xảy ra hậu quả này”. Rồi Cương khóc. Nước mắt của Cương khiến chúng tôi, cũng chợt thấy cay cay sống mũi”. Em đi thế này, chỉ thương hai đứa trẻ nhỏ không có người chăm sóc. Thằng cu con (Cương nói về cậu con trai út của mình) bình thường vẫn quấn quýt với bố, chắc sẽ khóc hết nước mắt...”

- Vì sao Cương quyết định giết ông Hóa? Ngưng một lát, Cương trả lời:

- Vì em quá bức xúc...

- Mâu thuẫn giữa em và chú ruột đã diễn ra lâu chưa?

- Khoảng 6-7 năm nay. Chú ấy uống rượu nhiều sau đó thì mượn rượu để đe dọa nhà em. Những lần chú ấy và con trai đánh nhau, em vào can ngăn cũng bị chú chửi bới, đe doạ...

- Tại sao tối hôm đó, Cương lại hành động quyết liệt đến vậy?

- “Nếu chú ấy còn sống, chú ấy sẽ giết em và đánh đập mẹ con nhà em. Vì nghĩ thế, em quyết định gây án đến cùng...”, Cương cho biết.

- Hôm đó, Cương có uống nhiều rượu không?

- Em uống ít thôi ạ. Hôm đó, khoảng 16 giờ chú ấy lên nhà em hỏi có cơm để ăn không. Lúc đó, em trả lời là còn sớm nên bảo với chú ấy chút nữa sẽ nấu ăn. Khi em trả lởi như thế, chú Hóa liền hỏi vay gạo. Khi em trả lời rằng chưa xát được gạo thì chú ấy chửi em và bố em. Khi ấy, em không dám nói gì vì chỉ sợ nếu nói ra chú ấy tức giận sẽ đánh hai đứa con của em, Cương cho biết.

Dẫn giải đối tượng Nguyễn Ngọc Cương.

Tối 5-1, khi ông Hóa ra về, Cương nấu cơm và mua nửa lít rượu về nhà với mục đích mời con trai của ông Hóa là anh Nguyễn Đắc Hiển vào nhà nói chuyện. Nhưng hôm đó, Hiển không ở nhà nên Cương về ăn cơm với bà nội và mẹ đẻ... rồi có uống một chút rượu. Tối hôm đó, Cương đi ngủ thật sớm nhưng trằn trọc mãi chẳng thể nào chợp được mắt vì nghĩ đến việc bị ông Hóa chửi bới hồi chiều. Cơn tức giận dồn nén lâu ngày tiếp tục bùng phát, khi có chút men rượu trong người.

Cương kể lại: “Lúc đó, em nghĩ đến việc bị chú Hóa chửi bới vì vay gạo và mượn đồ không trả, khi say máu thì đòi đập bát hương và di ảnh của bố em... Càng nghĩ, em càng uất ức vì thế em nảy ý định sát hại chú ruột của mình”. Khoảng 23 giờ đêm, Cương lẻn dậy ra khỏi nhà. Khi tới nhà ông Hóa, Cương nhìn thấy chú ruột đang nằm ngủ trong nhà. Những uất ức dồn nén trong suốt bao năm qua đã khiến Cương không thể kiềm chế được hành động của mình và đã gây ra vụ trọng án đau lòng trên...

Cương bộc bạch: “Đêm hôm đó trở về nhà, em chẳng thể nào chợp được mắt. Sáng hôm sau, em sang nhà một người quen ở cạnh thôn để ăn cơm nhưng trong bụng thì bồn chồn, lo lắng không yên. Vì thế giữa trưa, em gọi điện thoại về cho mẹ hỏi rằng trong nhà có vấn đề gì không, thực chất là để thăm dò sự việc xảy ra”. Vậy là Cương tìm cách tạo ra các chứng cứ ngoại phạm bằng cách tạo dựng lời khai giả; yêu cầu vợ là Nguyễn Thị Phương phải khai thời gian trùng khép với sự việc đã xảy ra. Nhưng “có tật giật mình”, Cương luôn thấy bồn chồn, lo lắng và bứt dứt không an lòng. “Có lúc, em mặc 4 chiếc áo khoác mà vẫn thấy người ớn lạnh”, Cương kể lại.

- Vì sao, Cương lại quyết định ra đầu thú? Tôi hỏi Cương.

- Lương tâm em cắn dứt lắm chị ạ. Em không thể chịu được cảm giác ấy, Cương chia sẻ.

Trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương, những ngày này Cương đang sống trong giây phút giày vò khôn nguôi. Đành rằng trong vụ án này, nạn nhân Hóa là người gây ra mâu thuẫn, làm cho những người thân yêu nhất của ông ta là vợ, con cũng phải xa lánh. Nhưng “Sảy cha còn chú... dù gì thì nạn nhân Hóa vẫn là chú ruột của Cương. Cơn nóng giận đã khiến Cương trở thành kẻ phạm tội. Cương sẽ phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Nhưng phía sau vụ trọng án vẫn để lại nỗi đau nhân tình, thế thái.

Rượu đã làm cho con người biến đổi nhân cách để rồi có hậu quả nặng nề như hôm nay. Chúng tôi chia tay Cương khi trời đã về chiều. Cương ngậm ngùi: Chị nhắn giúp hộ em mọi người ở nhà phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, giúp em nuôi dạy hai con nên người. Vợ em sức khỏe yếu chẳng thể làm được gì. Em đi tù rồi mọi công việc gia đình đều đổ dồn nên vai của tất cả những người phụ nữ...

Ngày 6-1, nhận thông tin về vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thôn Kim Xuyên, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an huyện Tứ Kỳ đã vào cuộc. Sau gần một tuần điều tra, Công an tỉnh Hải Dương đã vận động Cương đến cơ quan Công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Căn cứ vào lời khai của Cương và các chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Cương về hành vi giết người.