Vụ cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi: Nạn nhân đã chết có cần phải xét xử kín?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước thông tin dự kiến sáng 21-7 tới, TAND TP.HCM sẽ xét xử kín vụ cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong, nhiều người đặt câu hỏi: Xét xử kín áp dụng khi nào? Nạn nhân dưới 18 tuổi đã chết có cần phải xét xử kín?

Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai, nhưng phải tuyên án công khai.

Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết.

Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ, TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín.

Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC của TANDTC cũng quy định, với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Hai đối tượng cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong

Hai đối tượng cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong

Về những trường hợp xét xử kín, theo Điều 25 - Bộ luật TTHS 2015, TAND sẽ xét xử kín khi có 4 trường hợp có thể xét xử kín với: Những vụ án cần giữ bí mật Nhà nước; Giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; Bảo vệ người dưới 18 tuổi; Giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự.

Tuy quá trình xét xử phải kín, nhưng bản án phải được công khai song thông thường chỉ được công khai phần quyết định trong bản án, nêu tên các bị cáo, tội danh và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.

Như vậy, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…), đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên nhằm tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân. Hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, khác với những phiên xét xử công khai thông thường, những người không liên quan đến việc xét xử, nhà báo hay người thân của đương sự, bị cáo sẽ không được tham gia phiên xét xử kín này.

Liên quan đến vụ bé V.A bị bạo hành đến chết, nhiều người cho rằng, do bé A không còn nữa, tại phiên tòa không còn ai dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, vụ án này là vụ án Giết người, bị hại đã tử vong thì việc xét xử kín theo tinh thần Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC là không cần thiết, nên TAND cần xét xử công khai vụ việc.

Tuy nhiên, Luật sư Hồng Vân cho rằng, dù nạn nhân đã mất nhưng những nội dung bị cáo khai tại tòa, nhất là phần mô tả cảnh hành hạ bé 8 tuổi sẽ rất ghê rợn, tác động xấu đến tâm lý những người chứng kiến, nhất là những trẻ nhỏ nếu chúng xem tường thuật trực tiếp với đầy đủ hình ảnh, nội dung từ phiên toà.

Do đó, việc xét xử kín hay công khai vụ cha ruột và người tình bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong sẽ do TAND - TP. HCM quyết định căn cứ trên các quy định hiện hành.